Thời sự
Nhập điện từ Trung Quốc tiếp tục giảm
Thanh Hương - 27/10/2014 08:12
() Với nhiều dự án nguồn điện mới đang khẩn trương hoàn thiện để đi vào hoạt động trong những tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015, việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc trong năm 2015 sẽ tiếp tục giảm sâu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
EVN lên tiếng vụ hóa đơn điện tăng đột biến
Lợi nhuận 9.000 tỷ, EVN vẫn ngay ngáy lo tăng giá điện
Chi phí sản xuất điện tăng 5.500 tỷ đồng
Phó thủ tướng: Để dân thiếu điện là còn có lỗi
Giá điện có "gánh" tiền biệt thự, bể bơi?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Ngô Sơn Hải, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2015 sẽ tiếp tục giảm mạnh, bởi có thêm nhiều nguồn điện mới ở các tỉnh phía Bắc đi vào vận hành, giúp dự phòng tại khu vực này tiếp tục dư dả.

   
 

Dự phòng điện tại các tỉnh phía Bắc sẽ tiếp tục tình trạng dư dả với nhiều nguồn điện mới đã và sắp đi vào hoạt động

 

Theo ông Hải, trong năm 2015, miền Bắc sẽ được bổ sung nhiều tổ máy nhiệt điện than mới như Quảng Ninh 2, Hải Phòng 2, Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Mông Dương 2, nên có dự phòng công suất và sản lượng tại chỗ khá lớn. Tổng sản lượng nhiệt điện dự phòng các tháng mùa khô tại miền Bắc khoảng 3,6 tỷ kWh.

Theo tính toán của A0 trong phương án cơ sở vận hành hệ thống và cung cấp điện của năm 2015, với nhu cầu điện thương phẩm tăng 11,5%, tần suất nước về 65%, các nguồn tua-bin khí và nhiệt điện than miền Nam được huy động cao trong cả năm, sẽ phải huy động nguồn điện phát dầu từ tháng 4, tuy nhiên sản lượng ở mức thấp (khoảng 279 triệu kWh trong các tháng mùa khô), do hạn chế giới hạn truyền tải trên đường dây 500 kV. Trường hợp Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vận hành không ổn định như dự kiến thì phải huy động các nguồn nhiệt điện dầu cao hơn.

Năm 2015, hệ thống điện Việt Nam vẫn có xu hướng truyền tải từ miền Bắc và Trung vào miền Nam. Sản lượng truyền tải cả năm dự kiến theo chiều Bắc - Nam là 10,426 tỷ kWh (năm 2014 là 7,306 tỷ kWh); đối với chiều Trung - Nam là 17,154 tỷ kWh (năm 2014 là 13,713 tỷ kWh). Ngoài ra, trong năm sẽ có đợt ngừng cấp khí từ khu vực Cà Mau (14 ngày), lô 06.1 (3 ngày) và Nam Côn Sơn (1 ngày) để sửa chữa, dự kiến sẽ phải huy động khoảng 153 triệu kWh nhiệt điện dầu.

Việc lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong năm 2015 chắc chắn sẽ làm nhiều người quan tâm tới ngành điện vui mừng, dẫu về góc độ kinh tế, nguồn điện này có giá rẻ hơn so với điện mua của nhiều nhà máy độc lập trong nước.

Cụ thể, giá điện mua của Trung Quốc luôn thấp hơn so với giá bán điện của Nhà máy Điện Cà Mau 1&2 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khoảng 500 đồng/kWh. So với Nhà máy Điện Formosa Đồng Nai có nguồn đầu vào là than nhập khẩu theo giá thị trường quốc tế, nhập khẩu điện từ Trung Quốc cũng “hời hơn” khoảng 500 đồng/kWh. Còn nếu so với các nguồn điện chạy dầu diesel vào khoảng 5.000 đồng/kWh, thì nhập khẩu điện từ Trung Quốc lợi hơn đến 3.800 đồng/kWh, tức là rẻ hơn tới trên 3 lần.

Hiện việc mua điện từ Trung Quốc đuợc thực hiện qua 2 cấp điện áp 220kV với hướng Lào Cai và Hà Giang và qua cấp điện áp 110 kV với 3 hướng Lào Cai, Hà Giang, Móng Cái. Các khu vực mua điện Trung Quốc đều vận hành độc lập với nhau và độc lập với luới điện Việt Nam. Không chỉ trao đổi điện với Trung Quốc, Việt Nam còn đồng thời có trao đổi điện với hai nước láng giềng khác, mà cụ thể là mua điện từ Lào và bán điện cho Campuchia.

Với Trung Quốc, hợp đồng đầu tiên được ký vào tháng 10/2005 với giá điện Việt Nam mua là 4,5 UScent/kWh. Điện nhập khẩu từ Trung Quốc đang tham gia cấp cho 13 tỉnh ở miền Bắc. Do tỷ giá giữa Việt Nam đồng và nhân dân tệ thay đổi, nên giá điện mua từ Trung Quốc đã được điều chỉnh lên mức 5,1 UScent/kWh vào ngày 1/1/2009 và lên mức 6,08 UScent/kWh trong năm 2012.

Báo cáo vận hành thị trường điện công khai của năm 2014 tới thời điểm này cho thấy, lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc trong quý III không vượt ngưỡng 1,5% tổng lượng điện tiêu thụ của cả nước, thậm chí có những ngày không nhập khẩu chút nào.

Tin liên quan
Tin khác