Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 8/2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 11,5 tỷ USD, giảm 0,85% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 11,4% so với cùng kỳ 2012.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 11,8 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 13,5%. Với kết quả này, tháng 8/2013, Việt Nam nhập siêu khoảng hơn 300 triệu USD.
| ||
8 tháng đầu năm, cả nước ước nhập siêu 576 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch xuất khẩu |
Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 84,8 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là mức tăng khá cao của xuất khẩu Việt Nam trong năm 2013.
Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu cho đến thời điểm này vẫn phụ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Số liệu thống kê cho thấy, khu vực FDI, không kể dầu thô, ước xuất khẩu 51,2 tỷ USD, tăng 26% và chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó, khu vực trong nước ước đạt 28,7 tỷ USD, chỉ tăng 3,1%. Con số này được cho là tiếp tục chứng tỏ khu vực doanh nghiệp trong nước đang sản xuất - kinh doanh rất khó khăn.
Điều đáng chú ý trong xuất khẩu 8 tháng đầu năm, đó là tháng này, xuất khẩu đã giảm so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, thì một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu giảm so cùng kỳ. Chẳng hạn, dầu thô giảm 6,4%; gạo giảm 11,4%, cà phê giảm 22,5%...
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giá xuất khẩu giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu lại tăng, khiến cho khối doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 85,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2012. Trong số này, khu vực FDI nhập khẩu 48,3 tỷ USD, tăng 24,1% và chiếm 56,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Còn khu vực trong nước, ước nhập khẩu khoảng 37,1 tỷ USD, tăng 4%.
Với kết quả này, nhập siêu 8 tháng ước khoảng 576 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi khu vực trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu lớn, thì khu vực FDI, nếu không kể dầu thô, xuất siêu 3 tỷ USD, còn nếu tính cả dầu thô, xuất siêu khoảng 7,8 tỷ USD.
Theo dự báo, khả năng năm nay, nhập siêu sẽ dừng ở con số 2 tỷ USD, tương đương 1,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhập siêu thấp, sẽ không gây căng thẳng về tỷ giá, dự trữ ngoại hối, cũng như cán cân thanh toán của Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, ở một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu như Việt Nam, thì nhập siêu thấp tiếp tục là dấu hiệu cho thấy sản xuất trong nước đang bị đình trệ.
Nguyên Đức