Doanh nghiệp
Nhập thép HRC vẫn ồ ạt, sắp công bố kết quả điều tra sơ bộ
Hải Yến - 24/10/2024 10:54
Dự kiến, trong tháng 11/2024, Cơ quan điều tra sẽ công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ việc khởi xướng một số sản phẩm thép cán nóng xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc, nếu có dấu hiệu bán phá giá, sẽ bị áp thuế tạm thời.
Dự kiến, tháng 11/2024 sẽ công bố kết quả điều tra sơ bộ thép HRC nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Lượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam vẫn tăng mạnh bất chấp việc Việt Nam đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) với sản phẩm có xuất xứ từ 2 thị trường Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 9 lượng thép HRC nhập khẩu về Việt Nam đạt 1,2 triệu tấn, tăng 34% so với tháng 8 và bằng 220% sản lượng sản xuất trong nước (568.000 tấn). 

Lũy kế 9 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gần 8,8 triệu tấn HRC, tăng 26% so với cùng kỳ 2023 và bằng 171% sản xuất trong nước.

Trong đó, lượng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 72%, tương đương 6,3 triệu tấn, bỏ xa lượng sản phẩm tiêu thụ của doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ đạt 5,1 triệu tấn. 

Trước lượng thép HRC nhập khẩu đổ bộ với sản lượng và trị giá, làm tổn hại tới ngành sản xuất nội địa thời gian qua, đồng thời căn cứ từ Hồ sơ đề nghị điều tra của đại diện doanh nghiệp sản xuất trong nước, ngày 26/7/2024, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số  1985/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép HRC xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Việc này nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước.

Sau một thời gian khởi xướng điều tra, thông tin về tiến độ của vụ việc, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, theo quy trình điều tra, dựa trên những thông tin và dữ liệu do các bên liên quan cung cấp, Cơ quan điều tra đã tiến hành đánh giá, xác định hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ra nước ngoài, cũng như tác động của hàng hóa nhập khẩu đến ngành sản xuất trong nước, bao gồm cả những diễn biến về sự gia tăng lượng thép cán nóng nhập khẩu trong thời gian gần đây.

"Cơ quan điều tra đã gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan, đề nghị trả lời. Đến nay, thời hạn dành cho các bên trả lời bản câu hỏi đã kết thúc, chúng tôi đang tiếp nhận và tổng hợp lại các thông tin, dữ liệu do các bên liên quan cung cấp", ông Trung thông tin.

Từ cơ sở thông tin và dữ liệu ban đầu thu thập được, sẽ là căn cứ quan trọng để Cơ quan điều tra xác định liệu ngành sản xuất thép trong nước có chịu thiệt hại hay không, mức độ thiệt hại (nếu có) đến từ đâu.

Trong trường hợp có đủ bằng chứng để sơ bộ xác định sản phẩm trong nước chịu thiệt hại đáng kể, do hàng hóa nhập khẩu bán phá giá, Cơ quan điều tra phòng sẽ kiến nghị Bộ Công thương xem xét việc áp dụng biện pháp CBPG tạm thời, nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, theo phản ánh của doanh nghiệp, thời gian qua có sự gia tăng đột biến của mặt hàng thép HRC nhập khẩu, giá bán mặt hàng này suy giảm,… là những dấu hiệu cho thấy cần thiết phải tiến hành quy trình điều tra phòng vệ thương mại".

Bộ Công thương cũng phải cân nhắc đến lượng cung - cầu. Lượng thép sản xuất trong nước hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, nhưng lượng thép nhập khẩu ồ ạt sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến nền sản xuất trong nước, đặc biệt là ngăn cản sự phát triển của ngành sản xuất nội địa nên cần thiết phải có công cụ bảo vệ.

“Theo quy trình và thời hạn quy định, tháng 11 sẽ phải có kết quả điều tra sơ bộ. Trong trường hợp kết quả điều tra sơ bộ cho thấy có hội tụ đầy đủ các yếu tố gây thiệt hại đến ngành sản xuất thép cán nóng trong nước, Bộ sẽ áp dụng biện pháp CBPG tạm thời, thông qua chính sách thuế nhập khẩu tạm thời”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.

Ngành sản xuất thép HRC trong nước hiện nay gồm 2 doanh nghiệp, công suất vào khoảng 7,6 triệu tấn/năm. Sản phẩm thép HRC sản xuất trong nước bên cạnh đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa, một phần còn dành cho xuất khẩu sang một số thị trường khác, với tỷ lệ 50%:50%.

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu thép cán nóng của thị trường Việt Nam theo đánh giá vào khoảng 13 triệu tần/năm. Như vậy nhập khẩu thép cán nóng vẫn là nguồn bổ sung cho nhu cầu của thị trường trong nước.

Tin liên quan
Tin khác