Nhật Bản được cho là còn nhiều dư địa để hành động can thiệp trở lại, với dự trữ ngoại hối lên tới 1,23 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng 6/2024. Ảnh: AFP |
Dữ liệu được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hôm 31/7 cho thấy các số liệu chi can thiệp tiền tệ được ghi nhận trong kỳ từ ngày 27/6 đến ngày 29/7.
Số tiền trên gần như phù hợp với dự đoán của thị trường và tiếp nối những cảnh báo liên tục từ các nhà chức trách Nhật Bản rằng họ sẽ can thiệp để ứng phó với các biến động tiền tệ quá mức.
Động thái can thiệp mới nhất của Nhật Bản vào thị trường ngoại hối diễn ra ngay sau khi đồng yên trượt giá xuống mức thấp nhất trong 38 năm so với đồng đô la Mỹ. Vào cuối tháng 5, chính phủ Nhật Bản đã xác nhận đợt can thiệp tiền tệ đầu tiên của nước này kể từ tháng 10/2022.
Trong bối cảnh đồng yên suy yếu, Ngân hàng trung ương Nhật Bản hôm 31/7 đã tăng lãi suất cơ bản lên "khoảng 0,25%" từ mức trước đó là 0 - 0,1%. Động thái này đánh dấu mức lãi suất cao nhất của Ngân hàng Nhật Bản kể từ năm 2008.
Đồng yên tăng mạnh sau quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và số liệu mới nhất cho thấy đồng yên được giao dịch ở mức khoảng 150 JPY "ăn" 1 USD. Tỷ giá này cho thấy sự tương phản rõ rệt so với đầu tháng, khi đồng yên lần đầu tiên rớt giá xuống còn 161,96 JPY đổi 1 USD kể từ tháng 12/1986.
Đồng yên đã phải chống chọi với áp lực liên tục kể từ khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chấm dứt chính sách tiền tệ lãi suất âm áp dụng 14 năm qua vào tháng 3.
Đợt can thiệp mới nhất của Bộ Tài chính Nhật Bản khác với các đợt can thiệp gần đây khác, bao gồm đợt can thiệp kỷ lục 9,79 nghìn tỷ yên kéo dài từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 năm nay do Nhật Bản đã mua vào đồng yên khi đồng đô la Mỹ đã lao dốc sau khi dữ liệu lạm phát tiêu dùng của Mỹ suy yếu một cách đáng ngạc nhiên.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích đã chỉ ra các yếu tố khác ngoài việc bán ra đồng đô la Mỹ của Tokyo đã khiến đồng yên tăng vọt trong suốt tháng này.
Đồng đô la Mỹ tiếp tục giảm sau khi ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố ông muốn một đồng tiền yếu hơn. Ngay sau đó, một loạt các chính trị gia cấp cao của Nhật Bản, bao gồm cả Thủ tướng, đã thúc giục Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất trong thời gian tới để kiềm chế đà rớt giá của đồng yên.
"Tôi không nói rằng sự can thiệp không có tác động. Nó đã có. Nhưng nếu ông Trump và những người khác không lên tiếng và nói những gì họ đã nói, chúng ta có thể đã quay trở lại mức khoảng 160 JPY/USD", ông Shoki Omori, chiến lược gia trưởng tại công ty chứng khoán Mizuho Securities, nhận định.
Mặc dù kỳ vọng ngày càng tăng về việc bình thường hóa chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Omori vẫn dự đoánđồng yên sẽ suy yếu trở lại trong tháng 8.
"Việc tăng lãi suất chỉ 25 điểm cơ bản không nhất thiết làm giảm sức hấp dẫn của giao dịch chênh lệch lãi suất", ông Omori nói, ám chỉ đến một hoạt động mà những người tham gia thị trường vay đồng yên với lãi suất gần bằng 0 của Nhật Bản và đầu tư vào các tài sản có lợi nhuận cao hơn ở nước ngoài, bao gồm cả Mỹ.
Tokyo vẫn còn nhiều dư địa để hành động can thiệp trở lại, với dự trữ ngoại hối lên tới 1,23 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng 6/2024. Đồng yên rớt giá là điều không mong muốn của công chúng Nhật Bản và có thể trở thành vấn đề đáng chú ý trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng cầm quyền vào tháng 9 tới.