Doanh nghiệp
Nhiều đại gia báo lãi lớn; doanh nghiệp du lịch nóng lòng đợi mở cửa
Khánh An tổng hợp - 29/01/2022 12:09
Trong khi Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Hải Âu Aviation, Vietravel, Saigontourist, TMG, Sun Group, BIM thấp thỏm kiến nghị mở cửa du lịch quốc tế, thì Hòa Phát, Masan Consumer, Thế giới Di động... báo lãi.

Các doanh nghiệp hàng không, du lịch, lưu trú... gửi thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ mở lại du lịch quốc tế.

Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Hải Âu Aviation, Vietravel, Saigontourist, TMG, Sun Group, BIM ký thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính

Các doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ mở lại du lịch quốc tế.

Hai năm qua các doanh nghiệp đã hứng chịu những tổn thất chưa từng có trong lịch sử, đến nay các nguồn lực đã hoàn toàn cạn kiệt. "Quyết định mở cửa du lịch quốc tế của Chính phủ chính là cơ hội duy nhất để cứu sống các doanh nghiệp, cứu sống 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành và hàng triệu lao động gián tiếp khác", thư kiến nghị mà các doanh nghiệp ký chung tên gửi Thủ tướng viết rõ tình trạng của ngành.

Tuy nhiên, đề xuất mở cửa không chỉ để phục hồi mà còn để tạo bứt phá cho du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực, đồng thời sẽ góp phần đáng kể khơi thông các dòng chảy đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và các nước.

Các doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ công bố ngay trong đầu tháng 2 “Thời điểm mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế tới Việt Nam” để tạo “lực đấy mạnh” và để các địa phương cùng các doanh nghiệp vận tải, lưu trú và lữ hành có mốc thời gian chuẩn bị, mặc dù mốc thực tế để mở hoàn toàn có thể là 31/3 hay 30/4/2022.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn thấu hiểu các thách thức và cơ hội của ngành du lịch, hàng không hiện nay. Chúng tôi kỳ vọng Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, ngay trong những ngày đầu xuân tạo khí thế mới để chúng tôi bước sang một năm mới với niềm tin vào cơ hội phục hồi. Các doanh nghiệp cam kết sẽ ủng hộ mạnh mẽ và đồng hành với Chính phủ”, các doanh nghiệp kỳ vọng.

FPT Retail ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 22.495 tỷ đồng

FPT đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 554 tỷ đồng, gấp 19,5 lần năm 2020

Năm 2021, FPT Retail ghi nhận mức tăng trưởng 53% so với năm 2020 và gấp 1,4 lần kế hoạch.

Trong đó, doanh thu online cả năm 2021 đạt 6.285 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm 2020 và chiếm 28% tổng doanh thu hợp nhất FRT trong năm 2021.

Doanh thu chuỗi Long Châu đạt 3.977 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với năm 2020, giúp Long Châu chính thức có lãi nhẹ trong năm 2021. Như vậy, chuỗi Long Châu đã cán mốc có lãi trước 2 năm (Công ty đặt kế hoạch 2023 chuỗi sẽ có lãi).

Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Công ty đạt 554 tỷ đồng, gấp 19,5 lần năm 2020 và gấp 4,6 lần kế hoạch đặt ra cho cả năm.

Thế giới Di động chuyển từ thế khó sang lãi ròng trong năm 2021

Sau giãn cách, các cửa hàng Thế giới Di động và Điện Máy Xanh về gần như hoạt động lại bình thường từ đầu tháng 10/2021.

Lãnh đạo MWG từng bày tỏ khả năng khó thực hiện kế hoạch năm 2021, nhưng chốt năm, Công ty cổ phần Thế giới Di động công bố doanh thu thuần và lãi ròng hợp nhất đều tăng trưởng.

MWG cho biết sau khi các quy định giãn cách xã hội dần được nới lỏng, số lượng cửa hàng Thế giới Di động và Điện Máy Xanh phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng giảm dần từ mức 1.600 cửa hàng trong tháng 9 về gần như hoạt động lại bình thường từ đầu tháng 10/2021.

Riêng trong quý 4/2021, 2 chuỗi cửa hàng Thế giới Di động và Điện Máy Xanh đóng góp cho MWG hơn 30.400 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp quý 4 của Thế giới Di động tăng 18%, ghi nhận 7.375 tỷ đồng. Tương ứng, lợi nhuận ròng hợp nhất quý 4/2021 tăng 66% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.563 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2021, doanh thu thuần MWG đạt 122.958 tỷ đồng, tương đương hơn 5,3 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước. Doanh thu online đạt 14.370 tỷ đồng, tăng 53%. Trong đó, Điện máy Xanh đóng góp nhiều nhất vào cơ cấu doanh thu với 51%, kế đến là Thế giới Di động (25,7%) và Bách hóa Xanh (22,9%).

Bamboo Capital: lợi nhuận năm 2021 đạt hơn 973 tỷ đồng dù chỉ thực hiện 48% kế hoạch doanh thu

Lũy kế cả năm 2021, BCG đạt hơn 2.589 tỷ đồng doanh thu và gần 973 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế

Bamboo Capital cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021, ghi nhận doanh thu thuần hơn 648 tỷ đồng, tăng 220.5% và lợi nhuận sau thuế đạt gần 272 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế cả năm 2021, BCG đạt hơn 2.589 tỷ đồng doanh thu và gần 973 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 40% và 265% so với năm ngoái.

So với kế hoạch, BCG chỉ thực hiện 48% chỉ tiêu doanh thu. Ngược lại, lợi nhuận vượt đến 20% kế hoạch. Trong đó, nhờ hoạt động tài chính, cụ thể là các thương vụ M&A các dự án trong mảng bất động sản và năng lượng tái tạo, thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng. Một số thương vụ M&A tiêu biểu trong năm 2021 bao gồm: dự án nghỉ dưỡng Amor Garden Hội An, dự án dân cư Cầu Rồng, chuyển đổi cổ phần của các dự án năng lượng tái tạo và giao dịch phát triển các dự án diện mặt trời áp mái. 

Masan Consumer đạt 28.099 tỷ đồng doanh thu 2021, tăng 17% so với năm 2020

Masan Consumer công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh 

Masan Consumer công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Năm 2021, Công ty đạt 28.099 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với năm 2020. Trừ chi phí vốn, Công ty còn lãi gộp 11.790 tỷ đồng. 

Cụ thể, tính riêng quý 4 doanh thu thuần đạt 9.690 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ tăng chi phí vốn cao hơn, đến 33,6% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 4.155 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ.

Trong quý doanh thu tài chính đạt 192 tỷ đồng, tăng 7 tỷ so với cùng kỳ, trong khi đó chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi phí lãi vay tăng 9 tỷ đồng, lên hơn 79 tỷ đồng. Doanh thu tăng cũng kéo theo chi phí bán hàng tăng 314 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên trên 1.600 tỷ đồng. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 46 tỷ đồng, lên mức 323 tỷ đồng.

Kết quả, Masan Consumer lãi trước thuế 2.348 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.040 tỷ đồng, tăng 33,3% so với lợi nhuận đạt được quý 4/2020.

Hoà Phát lần đầu lãi ròng hơn 34.500 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm

Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 150.800 tỷ đồng, tăng 65% so với 2020.


Quý IV/2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt 45.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 73% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 7.400 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 150.800 tỷ đồng, tăng 65% so với 2020. Lợi nhuận sau thuế lần đầu cán mốc 34.520 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm và tăng 1,56 lần với năm trước.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương, Dung Quất - Quảng Ngãi, Hưng Yên vẫn hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Trong năm qua, Tập đoàn đã cung cấp cho thị trường tổng cộng 8,8 triệu tấn thép bao gồm phôi, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép và tôn mạ, tăng 35% so với cùng kỳ.

Tin liên quan
Tin khác