Sức khỏe doanh nghiệp
Vietravel: Chông chênh chặng đường hồi phục
Lâm Vũ - 28/01/2022 13:38
Trong bối cảnh hoạt động du lịch, hàng không còn rất nhiều khó khăn, việc chuyển nhượng phần lớn cổ phần tại Vietravel Airlines cho Vietravel Holdings được đánh giá sẽ chỉ giúp “làm đẹp” cho báo cáo tài chính của Vietravel.

Cơ cấu lại sở hữu tại Vietravel Airlines đã gần hoàn tất

Cuối tháng 12/2021, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) đã công bố nghị quyết định chuyển nhượng 55,58% cổ phần tại Công ty cổ phần Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Đây là bước tiếp theo trong lộ trình cơ cấu lại sở hữu của Vietravel tại Vietravel Airlines và đưa lộ trình cơ cấu sở hữu đến gần thời điểm hoàn tất.

Trước đó, tháng 8/2021 ĐHĐCĐ bất thường của Vietravel đã thông qua việc cho phép Vietravel Holdings được nhận chuyển nhượng 43,94% cổ phần có quyền biểu quyết của Vietravel mà không cần chào mua công khai. Đầu tháng 11/2021, các cổ đông là lãnh đạo chủ chốt của Vietravel công bố thông tin để chuyển nhượng cổ phần đang nắm giữ để góp vốn thành lập CTCP Vietravel Holdings và đến ngày 19/11, Vietravel Holdings đã trở thành cổ đông lớn nhất, nắm giữ 42,24% vốn tại Vietravel.

Áp lực gia tăng hàng loạt các loại chi phí đã khiến lỗ của Vietravel tăng mạnh, đẩy vốn chủ sở hữu vốn khá mỏng nhanh chóng giảm xuống mức âm.

Khi được thành lập năm 2019, Vietravel Airlines vốn được kỳ vọng sẽ đem đến bước phát triển nhảy vọt cho Vietravel trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng nhanh cả về lưu lượng vận tải hành khách và hàng hóa. 

Tuy vậy, đến khi các giấy phép cần thiết để có thể cất cánh được hoàn tất, thì Covid-19 bùng phát khiến hoạt động kinh doanh truyền thống của khối du lịch lữ hành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, việc phải chịu thêm gánh nặng của mảng hàng không mới đưa vào vận hành khiến bức tranh kinh doanh của Vietravel khó càng thêm khó.

Cụ thể, nếu như năm 2020, mức lỗ của Vietravel là 98 tỷ đồng, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, Công ty đã báo lỗ hợp nhất thêm 290 tỷ đồng, trong đó phần lỗ của cổ đông công ty mẹ là 288 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm nay, trong khi doanh thu dịch vụ du lịch giảm đến 72%, doanh thu từ mảng hàng không đã góp phần đáng kể giúp hãm tốc độ sụt giảm của doanh thu hợp nhất, nhưng bức tranh kinh doanh khó khăn của lĩnh vực này cùng áp lực gia tăng hàng loạt các loại chi phí tài chính, bán hàng đến chi phí quản lý đã khiến lỗ của Vietravel tăng mạnh, đẩy vốn chủ sở hữu vốn khá mỏng nhanh chóng giảm xuống mức âm.

Gian nan chặng đường hồi phục

2 năm 2020-2021 có thể xem là giai đoạn khó khăn nhất của ngành du lịch từ trước đến nay. Nếu năm 2020, số liệu thống kê cho thấy lượng du khách quốc tế giảm 80% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%, thì bước sang năm 2021, tình hình còn khó khăn hơn. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa sau 10 tháng đầu năm nay chỉ bằng 44,7% so với cùng kỳ năm 2019. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tổng doanh thu từ khách du lịch 10 tháng đầu năm 2021 ước giảm  tới 45,42% so với cùng kỳ của năm 2020.

Bước sang quý IV/2021, nhờ tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin được đẩy nhanh, các địa phương đã từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế. Từ đầu tháng 11/2021, Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn đã giúp Việt Nam chính thức đón khách quốc tế trở lại sau gần 2 năm đóng cửa. Những chuyển biến này được kỳ vọng giúp ngành bức tranh kinh doanh ngành hàng không và du lịch đã bước qua giai đoạn bĩ cực nhất.

Tuy vậy, với đặc điểm là những nhóm ngành nhạy cảm nhất với đại dịch, dự báo sẽ còn cần nhiều năm để hoạt động du lịch, hàng không có thể trở lại so với giai đoạn trước dịch. Trong khi đó, sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 mới với khả năng lây lan nhanh bất chấp tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cao đã và đang khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải siết chặt lại các biện pháp giãn cách sau thời gian nới lỏng.

Trong khi đó, việc kinh doanh khó khăn, thua lỗ trong 2 năm qua đã khiến bức tranh tài chính của các doanh nghiệp du lịch nói chung, Vietravel nói riêng xấu đi đáng kể. Giả định, hoạt động của ngành hàng không, du lịch có thể duy trì đà hồi phục trong năm 2022, tốc độ hồi phục chậm cũng ảnh hưởng đến điểm hòa vốn và thời gian để bù đắp hết số lỗ lũy kế trong 2 năm qua sẽ cần không ít thời gian.

Tính đến thời điểm 30/6/2021, Vietravel đã lỗ luỹ kế 326 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 118 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 456,8 tỷ đồng và khiến Cty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C (đơn vị kiểm toán của Vietravel) phải nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục trong báo cáo soát xét thông tin tài chính giữa niên độ. Tổng nợ vay của Công ty đến cuối quý II/2021 là 1.208,3 tỷ đồng, chiếm 62,8% cơ cấu nguồn vốn.

Đến nay, báo cáo tài chính quý III/2021 của Vietravel chưa được công bố, nhưng gần như chắc chắn mức lỗ đã tăng thêm nhiều. Mảng hàng không cũng  khó khăn không kém, khi từ cuối tháng 8/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu tất cả các hãng hàng không ngừng bán vé các chuyến bay nội địa khiến cho tổng lượng hành khách trong tháng 7 và tháng 8/2021 lần lượt giảm 95,9% và 97,1% so với cùng kỳ năm 2020, thậm chí trong tháng 9, mức giảm đến 99%.

Trong bối cảnh đó, việc cơ cấu lại sở hữu thông qua chuyển nhượng 55,58% cổ phần tại Vietravel Airlines cho Vietravel Holdings  - doanh nghiệp do nhiều cổ đông Vietravel góp vốn bằng cổ phiếu, có lẽ chỉ giúp cho báo cáo tài chính của Vietravel “đẹp” hơn khi không còn phải hợp nhất với báo cáo tài chính của Vietravel Airlines hơn là có thể đem lại điểm nhấn mới giúp cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh của cả 2 công ty hay có thể đem về lợi nhuận, dòng tiền cho Vietravel.

Tin liên quan
Tin khác