Y tế - Sức khỏe
Nhiều điểm mới trong Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi)
D.Ngân - 12/01/2023 08:23
Một trong những nội dung quan trọng của Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) là nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân.

Sau hơn 5 năm xây dựng, dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 9/1/2023, thay thế cho Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Theo ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, có nhiều điểm mới trong Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Một trong những nội dung quan trọng chính là việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. 

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) là nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân.

Bên cạnh việc bổ sung quy định đánh giá chất lượng bắt buộc, Luật vẫn giữ nguyên quy định khuyến khích các cơ sở áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng quốc tế.

Luật bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân. 

Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các hình thức tổ chức hành nghề như hiện nay, Luật đã bổ sung các quy định: Một là, thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn. 

Theo ông Đỗ Trung Hưng, việc thay đổi này sẽ có các lợi ích sau đây: Tối ưu hóa việc đầu tư phát triển chuyên môn kỹ thuật có trọng tâm, trọng điểm, có quy hoạch tránh dàn trải, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chuyên môn trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế.

Cụ thể là những kỹ thuật cơ bản, mang tính phổ biến phải được cung ứng dịch vụ ngay tại cấp cơ bản và cấp ban đầu, tăng khả năng tiếp cận của người dân ngay trên địa bàn, hạn chế phải chuyển lên bệnh viện tuyến cuối gây tốn kém và quá tải bệnh viện tuyến cuối. 

Việc chia thành 3 cấp chuyên môn theo hướng xác định chức năng, mức độ cung cấp dịch vụ mà mỗi cấp chuyên môn bắt buộc phải đáp ứng như đã nêu trên cùng với việc đẩy mạnh hoạt động chuyển giao kỹ thuật, thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa và kết hợp với sử dụng các công cụ về tài chính y tế như giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế sẽ từng bước chuẩn hóa chất lượng cung cấp dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngay tại cơ sở. 

Việc này sẽ bảo đảm tính liên thông, liên tục về khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, theo đó việc chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn, không lệ thuộc vào cấp hành chính. 

Bên cạnh đó, sẽ khắc phục được một số tồn tại, bất cập liên quan đến phân hạng bệnh viện như nhiều bệnh viện hạng 2 (chủ yếu tuyến huyện) đã thực hiện được một số dịch vụ kỹ thuật của tuyến tỉnh; hoặc một số bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được dịch vụ kỹ thuật của tuyến trung ương... nhưng không được nâng hạng hay như bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa năng lực kỹ thuật có khi thấp hơn bệnh viện tuyến huyện nhưng vẫn là nơi bệnh viện tuyến huyện phải chuyển người bệnh lên... 

Khắc phục được một số tồn tại, bất cập liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như: sử dụng yếu tố phân hạng bệnh viện là căn cứ để xác định mức giá khám bệnh, ngày giường điều trị dẫn đến tình trạng bệnh viện tuyến cao hơn thực hiện kỹ thuật cao hơn nhưng ở hạng thấp hơn nên chỉ được hưởng mức giá thấp. 

Việc này sẽ không làm xáo trộn hệ thống khám bệnh, chữa bệnh hiện hành và có thể áp dụng ngay sau khi Luật được ban hành do vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 4 cấp hành chính gồm: Trung ương, tỉnh, huyện và xã. 

Hai là, Luật cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ. 

Ba là, phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi, đặc biệt đối với các bệnh ít nghiêm trọng, mạn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên. Việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh từ xa giúp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giảm nguồn lực đầu tư cho y tế; 

Người bệnh tiếp cận được với các thầy thuốc có tay nghề cao thường tập trung chủ yếu ở các thành thị, vùng kinh tế, xã hội để được điều trị hiệu quả ngay ở tuyến tỉnh, tuyến huyện mà không phải đến bệnh viện của trung ương. Từ đó giúp giảm chi phí điều trị và giảm quá tải cho các bệnh viện ở Trung ương.

Ngoài các nội dung nêu trên, so với Luật khám chữa bệnh hiện hành, Luật sửa đổi lần này có nhiều điểm mới, như lần đầu luật hóa Hội đồng Y khoa Quốc gia. Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể, Hội đồng này có nhiệm vụ xây dựng, ban hành bộ công cụ và tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá.

Hội đồng Y khoa là mô hình lần đầu có tại Việt Nam, còn mới, chưa rõ, nên Chính phủ quyết định tổ chức và hoạt động.

Liên quan tới tự chủ bệnh viện cơ sở y tế được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, phát triển các hoạt động chuyên môn và phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bệnh viện được quyết định mức thu dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, trừ trường hợp do Nhà nước định giá.

Viện cũng được quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám chữa bệnh; được quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không vượt quá giá do Bộ trưởng Y tế quy định, trừ giá dịch vụ theo yêu cầu và giá hình thành từ hoạt động hợp tác công tư.

Thời gian qua, hầu hết bệnh viện công hoạt động theo c một phần theo Nghị định 60; có 4 bệnh viện trong đề án thí điểm tự chủ bệnh viện là Bạch Mai, Việt Đức, K (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP HCM).

Tuy nhiên, ngay từ đầu, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xin không thí điểm tự chủ toàn diện, còn giữ năm ngoái Bạch Mai và K lần lượt xin dừng tự chủ toàn diện, chuyển sang tự chủ một phần.

Lý do là các viện gặp nhiều khó khăn về tài chính, không được tự quyết giá các dịch vụ khám chữa bệnh mà phải theo khung giá do Bộ Y tế quy định.

Như vậy, Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi đã cởi những vướng mắc quy định pháp luật này, trao quyền tự quyết tài chính nhiều hơn cho các bệnh viện.

Ngoài ra, so với Luật Khám, chữa bệnh hiện hành, Luật sửa đổi chỉ rõ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám chữa bệnh như chi phí nhân công, thuốc, hóa chất, chi phí khấu hao thiết bị y tế, chi phí quản lý như duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế...

Như vậy, quy định mới sẽ giải quyết được vấn đề tính đúng tính đủ giá khám chữa bệnh mà nhiều bệnh viện phản ánh là lạc hậu, chưa tính đủ 7 yếu tố cấu thành thời gian qua.

Về xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh, Luật cho phép thu hút nguồn lực xã hội bao gồm đầu tư và đầu tư theo hình thức công tư để thành lập cơ sở y tế tư nhân; được vay vốn, thuê mượn thiết bị...

Thực tế, hơn 90% thiết bị y tế, chẩn đoán hình ảnh phục vụ khám chữa cho bệnh nhân tại các bệnh viện là máy mượn, máy đặt. Tuy nhiên, theo cơ quan bảo hiểm xã hội, loại hình máy mượn máy đặt chưa được quy định trong các văn bản pháp luật nào, do đó bệnh viện không được phép dùng, bệnh nhân sử dụng dịch vụ chẩn đoán từ loại hình máy này không được bảo hiểm y tế chi trả.

Quy định này vấp nhiều phản ứng từ các bệnh viện do ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh cho người dân và làm giảm nguồn thu của viện. Đến cuối năm 2022, loại hình máy mượn, máy đặt đã được cho phép trở lại bệnh viện.

Tin liên quan
Tin khác