Do khó cạnh tranh trên thị trường, nhiều nhà máy mía đường đã phải giảm mạnh công suất, thậm chí đóng cửa. Ảnh: Đ.T |
Doanh nghiệp hấp hối
Trao đổi về thực trạng ngành mía đường, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng cho biết, chưa bao giờ, doanh nghiệp mía đường thê thảm như lúc này.
Sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ ngày 1/1/2020 bằng việc không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.
Từ đây, hàng triệu tấn đường đã đổ bộ vào thị trường nội địa. Trong 10 tháng năm 2020 có 1,3 triệu tấn đường đã nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ, khiến doanh nghiệp không thể cạnh tranh, phải thu hẹp sản xuất.
“Riêng tại Sóc Trăng, vùng nguyên liệu sản xuất mía năm 2017 là 8.400 ha, năm 2018 còn 7.000 ha, giảm xuống 4.800 ha năm 2019, còn 2.400 ha năm 2020 và dự kiến còn dưới 2.000 ha trong năm tới”, ông Hiếu chia sẻ tại Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Theo ông Hiếu, nguyên nhân khiến sản xuất thu hẹp bởi tình trạng hàng nhập khẩu quá lớn, chưa kể hàng trăm ngàn tấn đường nhập lậu không thể thống kê được với giá rẻ hơn nhiều so với hàng trong nước, nên doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh. Thậm chí, Công ty Mía đường Sóc Trăng chỉ bán được 10%, còn lại tồn kho tới 90% sản lượng.
Là doanh nghiệp sản xuất đường lớn với nhà máy 18.000 tấn mía/ngày, cũng đồng thời là hộ tiêu thụ đường đáng kể để chế biến bánh kẹo, nhưng tác động từ đường nhập khẩu theo ATIGA và đường nhập lậu tới Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi cũng rất nặng nề.
Ông Võ Thành Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi cho hay, diện tích vùng nguyên liệu mía niên vụ 2019 - 2020 của Công ty đã giảm còn 72% so vụ 2018 - 2019; sản lượng đường giảm 42% so với vụ 2018 - 2019.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay, Hiệp hội đã có đầy đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài.
Cụ thể, Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ ngành đường ít nhất 1,3 tỷ USD/năm. Trong đó, trên 775 triệu USD được sử dụng cho khoản trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua Hệ thống bình ổn giá đường, tức là trợ giá để bù đắp mỗi khi giá đường trên thế giới sụt giảm.
“Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người trồng mía”, ông Lộc nhấn mạnh.
Khẩn trương tái cơ cấu
Cùng với các biện pháp phòng vệ, bảo vệ sản xuất trong nước, hầu hết các chuyên gia cũng khẳng định, ngành mía đường phải khẩn trương tái cơ cấu tổng thể, từ vùng nguyên liệu, đến khâu chế biến đường.
Trong niên vụ 2020-2021, ngành mía đường Việt Nam được dự báo tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường, gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu và hoạt động không có hiệu quả.
Nguồn: Hiệp hội Mía đường Việt Nam
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), dù đã được kéo dài bảo hộ thêm 2 năm, song ngành mía đường vẫn gặp khó khăn khi mở cửa hội nhập vì lượng đường nhập khẩu tăng đột biến. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 với các giải pháp cơ cấu vùng trồng, cơ cấu nhà máy, sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra 2 nhóm mặt hàng đường. Với nỗ lực này, kỳ vọng sẽ có biện pháp bảo hộ hợp lý cho doanh nghiệp và người nông dân trồng mía trong thời gian tới.
Tuy vậy, ông Hải cũng cho rằng, sự chuyển biến của ngành đường chưa rõ ràng, nên cần khẩn trương đổi mới hiệu quả hơn nữa.
Thừa nhận ATIGA đi vào thực thi đã khiến ngành mía đường phải cạnh tranh không cân sức, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, chỉ có cách tái cơ cấu, thì ngành mía đường mới có cơ hội trụ lại.
“Thời gian qua, không phải tất cả các nhà máy mía đường đều lao đao, khó khăn như nhau. Có doanh nghiệp khó khăn nhiều, có doanh nghiệp khó khăn ít hơn. Những doanh nghiệp nào mạnh mẽ đổi mới, tìm giải pháp thích nghi sẽ có cách để sống sót, thậm chí là sống tốt. Ngược lại, những trường hợp vẫn thụ động với thị trường đang nhiều biến đổi, thì khó tránh bị đào thải”, ông Lê Đăng Doanh phân tích.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp sản xuất, trước khó khăn của ngành mía đường, ông Trần Ngọc Hiếu cho rằng, cơ chế của Nhà nước dù có tạo thuận lợi, có hỗ trợ đến mấy, thì cái chính vẫn là doanh nghiệp tự thân vươn lên.
“Với ngành mía đường như hiện nay, doanh nghiệp cần Nhà nước giải quyết vấn đề công bằng trong hội nhập, như chống bán phá giá, chống trợ cấp của nước ngoài đưa đường giá rẻ vào Việt Nam. Về phần mình, doanh nghiệp sẽ nỗ lực hết sức theo khả năng và điều kiện để phát huy sức mạnh.