Năm 2007, thị phần dịch vụ gia công xuất khẩu của Việt Nam tại Nhật chưa đến 1%, hầu như chưa có doanh nghiệp phần mềm nào đầu tư mở doanh nghiệp tại Nhật Bản.Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam hiện đã là đối tác lớn thứ 2 của Nhật về gia công phần mềm và dịch vụ, là đối tác được yêu thích nhất của Nhật từ năm 2009.
Đặc biệt, theo thông tin của JETRO, đã có trên 10 doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đầu tư mở công ty/chi nhánh tại Nhật Bản, thuộc ngành có số lượng doanh nghiệp đầu tư lớn nhất vào Nhật.Nhật Bản hiện đang là thị trường gia công xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với đà tăng trưởng rất nhanh. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp hai nước, sự hỗ trợ của Chính phủ và sự thúc đẩy mạnh mẽ từ các tổ chức xã hội, nghề nghiệp.
Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA) ngày 26/10. |
Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Bộ Thông tin và Truyền thông luôn xác định hợp tác với các đối tác Nhật Bản là yếu tố quan trọng cho sự phát triển ngành CNTT Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác hơn nữa tạo đột phá trong lĩnh vực CNTT, tập trung vào 5 trọng tâm bao gồm: Một là,phát triển nguồn nhân lực CNTT nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Hai là chú trọng xây dựng các khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao, công viên phần mềm; Ba là, đầu tư hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông tốc độ cao, thuận lợi và đảm bảo về an toàn thông tin; Bốn là ứng dụng hiệu quả CNTT trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội và Năm là thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT.
Bà Yuko Adachi, Phó Chủ tịch Gartner Nhật Bản, chuyên gia đã có trên 10 năm nghiên cứu chuyên sâu về hợp tác CNTT Viêt – Nhật đã có một báo cáo chính rất chi tiết và sâu sắc. Theo Bà Yuko Adachi, Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh được đánh giá cao, thu hút hợp tác và đầu tư của các DN Nhật Bản trong 10 năm vừa qua như: Hỗ trợ của chính phủ, cơ sở hạ tầng tốt, chính trị ổn định, văn hóa phù hợp, nhân lực dồi dào, khả năng ngôn ngữ tốt, chi phí cạnh tranh, bảo mật thông tin khách hàng tốt, và tuân theo quy chuẩn của quốc tế.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ còn duy trì được 3 lợi thế cạnh tranh ở mức cao bao gồm: Giá cả, tuân thủ quy trình quốc tế và ý thức bảo mật thông tin. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển dịch, cần phá thế bị động, tiêu chuẩn hóa những quy trình sản xuất và con người, nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật mới để chuẩn bị cho sự hợp tác trong giai đoạn tới.
Bên cạnh những bản báo cáo tình hình phát triển CNTT của đại biểu hai quốc gia, bản báo cáo 10 năm hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT của VINASA chính là điểm nhấn thể hiện cái nhìn tổng quát về mối quan hệ giữa hai nước trong một thập kỷ.
Theo đó, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả, những thành tựu đáng kể trong quan hệ hợp tác CNTT giữa các doanh nghiệp hai nước, VINASA cũng chỉ ra rõ, những năm tiếp theo sẽ có rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi lợi thế về giá cả cạnh tranh và nguồn nhân lực sẽ dần không còn, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải định hướng và chuẩn bị nguồn lực nhằm tập trung vào 3 hướng: nâng cao giá trị trong hợp tác dịch vụ CNTT; phát triển và phân phối các sản phẩm CNTT, ứng dụng di động; và quan trọng nhất là hợp tác trong các xu hướng công nghệ mới như: Internet of Things (IoT), Trí tuệ nhân tạo (Ai), S.M.A.C, in 3D…Các doanh nghiệp hai nước cần phải chủ động, tích cự tìm ra những giá trị mới để tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác.