Mở cửa du lịch giúp nhiều doanh nghiệp lữ hành tái gia nhập thị trường. |
Gần 1.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đã trở lại hoạt động trong quý I/2022, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng chứng kiến sự trở lại của 556 doanh nghiệp, tăng 96,5% so với quý I/2021... Có thể nói, sau hơn 2 năm chịu tác động cùa Covid-19, đây là lần đầu tiên, hai lĩnh vực này có tin vui.
Thời điểm bình thường đã trở lại, cùng với đó là những gam màu sáng trong bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong quý I/2022.
Nổi bật trong những thông tin tích cực là con số 60.178 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây là con số kỷ lục trong quý I kể từ nhiều năm trở lại đây, cao gấp 1,5 lần so với trung bình quý I giai đoạn 2017-2021, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Quý I hàng năm thường là thời điểm các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính mới. Có thể thấy, quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp đang vào đà, niềm tin kinh doanh dần trở lại sau hai năm dịch bệnh Covid-19 càn quét.
Trong số trên, số doanh nghiệp thành lập mới là 34.590, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Số doanh nghiệp quay lại hoạt động là 25.588, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây đều là mức cao nhất trong quý I từ trước đến nay. Riêng số doanh nghiệp trở lại hoạt động cao hơn 2,1 lần mức trung bình trong quý I giai đoạn 2017-2021.
Tại hai địa phương lớn là Hà Nội và TP.HCM, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng khởi sắc. TP.HCM có 10.207 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất nước, nhưng Hà Nội vẫn ghi nhận mức tăng 6,6% trong đăng ký doanh nghiệp mới so cùng kỳ năm 2021, với 6.110 doanh nghiệp.
Trong sự trở lại của niềm tin kinh doanh, chắn chắn có tác động từ những thông điệp chính sách, từ cam kết rõ ràng của Thủ tướng Chính phủ rằng, trong tháng 3/2022, phần lớn các giải pháp chính sách để thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023 được hoàn tất. Cùng với đó, là yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhất quán trong thực thi, chủ động rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Niềm tin trở lại còn bởi giới kinh doanh đang trông đợi cơ hội mở ra khi người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao từ đầu năm gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn. Ngoài ra, sẽ có chế tài xử lý nghiêm, kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Việc Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến… cũng giúp doanh nghiệp thêm vững tin vào Chính phủ, vào chính mình.
Doanh nghiệp đã đặt niềm tin, nghĩa là đang nỗ lực tận dụng mọi cơ hội của giai đoạn bình thường mới để hoạt động trở lại, thì việc thực thi đúng các cam kết của Chính phủ, theo nguyên tắc “lấy sự hồi phục, phát triển của doanh nghiệp, người dân làm mục tiêu là động lực” chắc chắn sẽ tạo cú hích lớn.