Tại Dự án Duyên Hải 2, tổ máy 1 đã vận hành thương mại từ ngày 1/6/2021, tổ máy 2 đang chạy thử |
“Bí” dự án của doanh nghiệp nhà nước
Báo cáo nửa đầu năm 2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực chỉ rõ, các dự án nguồn điện đang được triển khai thuận lợi vừa ít về số lượng, vừa thấp về công suất so với các dự án đang gặp khó khăn, thậm chí chưa nhìn thấy đường ra.
Cụ thể, tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đa phần các dự án đã về đích hay đang được thi công có quy mô không lớn như Thủy điện Thượng Kom Tum (220 MW), Thủy điện Đa Nhim mở rộng (80 MW), các dự án Hoà Bình mở rộng (480 MW), Ialy mở rộng (360 MW) mới bắt đầu thi công. Ở các dự án lớn, ngoại trừ Nhiệt điện Quảng Trạch I (1.2000 MW), thì Thủy điện tích năng Bắc Ái (1.200 MW) mới hoàn thành cụm cửa xả vào tháng 3/2021 và các công trình còn lại có kế hoạch hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật trong tháng 9/2021.
Nguồn: Báo cáo nửa đầu năm 2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực
Các dự án của EVN chưa nhìn thấy cơ hội đột phá có thể kể đến là Ô Môn III (1.050 MW) và Ô Môn IV (1.050 MW) với vòng luẩn quẩn là do chưa có chủ trương đầu tư Ô Môn III, nên dự án khai thác khí và đường ống lô B - Ô Môn chưa triển khai được, dẫn tới việc Ô Môn IV không dám mở thầu xây dựng để tránh rơi vào tình trạng nhà máy có, khí không có, lại nằm dài cổ đợi.
Ở Dự án Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất I, III (2 x 750 MW/nhà máy), EVN đang trình hồ sơ FS lên cơ quan chức năng, nhưng việc tiếp tục triển khai các bước đầu tư tiếp theo lại phụ thuộc vào tiến độ cấp khí Cá Voi Xanh.
Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 9 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 8.100 MW thì cả 9 dự án đều đang gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, trong đó có 2 dự án sẽ vào sau năm 2030 (Kiên Giang I và II).
Tiến bộ nhất hiện là Dự án Nhiệt điện Sông Hậu I khi các mốc tiến độ đã gần về đích, như thiết kế đạt 99,94%, mua sắm đạt 99,95%, thi công đạt 99,8%, chạy thử đạt 83,28% để vận hành thương mại tổ máy 1 vào tháng 11/2021 và tổ máy 2 vào tháng 1/2022.
Dự án Thái Bình II (1.200 MW) tuy đang có quyết tâm lớn, nhưng công việc vẫn chưa đẩy nhanh hơn được là bao, bởi còn vướng một số thủ tục giấy tờ. Dự án Long Phú I (1.200 MW) vẫn chưa xác định được tiến độ khả thi, vì nhà thầu Power Machines (PM) không giải quyết được các khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của cấm vận và đang thực hiện kiện tại toà án.
Hai Dự án Nhơn Trạch 3 và 4 (650-880 MW/nhà máy) hiện chưa đàm phán xong hợp đồng mua bán điện để kéo cả dây chuyền đi nhanh. Với Dự án Nhà máy Nhiệt điện miền Trung 1 và 2 (2 x 750 MW), việc phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi phụ thuộc vào tiến độ phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh.
Trong khi đó, ở chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh, các bên ExxonMobil/PVN/PVEP/EVN chưa thống nhất được về lượng khí tiêu thụ, lượng khí cam kết/ngày, khả năng thực hiện bao tiêu do giới hạn số giờ vận hành và khả năng dao động cung cấp khí; các quy định về chuyển giao bao tiêu khí từ hợp đồng mua khí (GSA) sang cam kết huy động phát điện trong hợp đồng mua bán điện (PPA).
Một tập đoàn năng lượng khác của Nhà nước là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950 MW thì cả 4 đều đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong đó 3 dự án khó có khả năng tiếp tục triển khai (Cẩm Phả III, Hải Phòng III, Quỳnh Lập I).
Các dự án BOT: cũ hết, mới “bí”
Trong số 20 dự án nhà máy điện BOT có tổng công suất hơn 26.000 MW mà Bộ Công thương đang quản lý và theo dõi, tình hình không có nhiều biến động trong nửa đầu năm 2021. Ngoài 5 dự án đã vào vận hành thương mại gồm Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, Mông Dương 2, Vĩnh Tân 1 và Hải Dương, thì 3 dự án khác là Duyên Hải 2 (1.200 MW), Nghi Sơn 2 (1.200 MW) và Vân Phong 1 (1.200 MW) đang trên đường về đích.
Cụ thể, Dự án Duyên Hải 2 có tổ máy 1 đã vận hành thương mại từ ngày 1/6/2021, tổ máy 2 đang chạy thử để vận hành thương mại trong quý III/2021. Tại Dự án Nghi Sơn 2, tiến độ đã đạt khoảng 92% và tổ máy 1 sẽ vào vận hành thương mại tháng 2/2022, tổ máy 2 vào tháng 8/2022. Tại Dự án Vân Phong 1, tiến độ tổng thể hiện đạt 36,66%, với kế hoạch vận hành tổ máy 1 vào tháng 9/2023, tổ máy 2 vào tháng 1/2024.
Hai dự án khác đã ký chính thức bộ hợp đồng BOT và nhà đầu tư đang thu xếp tài chính gồm Dự án Sông Hậu 2 (1.200 MW) có tối đa 15 tháng kể từ ngày bộ hợp đồng BOT có hiệu lực (ngày 29/12/2020) để thu xếp tài chính cho Dự án. Tại Dự án Vũng Áng 2, Bộ Công thương có Công văn số 4550/BCT-ĐL đề xuất chấp thuận việc thay đổi cổ đông sở hữu nhà đầu tư OneEnergy Asia Limited vào tháng 7/2021 và đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Hai dự án còn lại đang hoàn thiện bộ hợp đồng BOT để chuẩn bị ký chính thức là Dự án Nam Định 1và Vĩnh Tân 3. Tuy nhiên, tại Dự án Nam Định 1, do hợp đồng BOT và cam kết bảo lãnh của Chính phủ (GGU) vẫn chưa được nhà đầu tư hoàn tất việc ký tắt, hợp đồng PPA vẫn chưa được thống nhất, nên các bên cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại cho phù hợp với các quy định mới hiện nay.
Tại Dự án Vĩnh Tân 3, hợp đồng BOT, GGU, LLA và PPA đã được ký tắt vào tháng 12/2020, nhưng đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc thay đổi cổ đông sở hữu nhà đầu tư OneEnergy Ventures Limited.
Ở các dự án mới, công tác chuẩn bị đầu tư đang được tiến hành, như triển khai đàm phán các tài liệu dự án tại Dự án Dung Quất 2; triển khai lập và thẩm định Pre FS và FS tại Dự án Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2; đàm phán biên bản ghi nhớ tại Nhà máy điện khí Quảng Trị, chưa chính thức giao chủ đầu tư tại Dự án Quỳnh Lập 2, hoặc chủ đầu tư đã xin dừng triển khai và đang được xem xét lại trong Quy hoạch điện VIII với Dự án Long Phú 2 và Vũng Áng 3.
Nhà máy điện độc lập (IPP): nhiều vướng mắc chưa có lời giải
Cũng theo báo cáo nửa đầu năm 2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, có 10 dự án trên 100 MW đang được triển khai đầu tư xây dựng theo hình thức nhà máy điện độc lập (IPP) với tổng công suất 11.092 MW, nhưng đều chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc kéo dài.
Hiện 3 dự án đã được triển khai từ khá lâu và nhìn thấy cơ hội về đích. Đó là Dự án Nhiệt điện An Khánh, Bắc Giang (650 MW) đã tháo được nút thắt cơ bản khi các vấn đề mua bán điện đã được xử lý và đang chờ được giải ngân khoản vay thương mại từ ngân hàng nước ngoài. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành trong 33 tháng từ ngày tổng thầu EPC nhận khoản tạm ứng đầu tiên và sẽ vận hành chạy thử vào tháng 12/2023 (thời gian chạy thử 1-3 tháng), phát điện thương mại vào năm 2024.
Dự án Thủy điện Hồi Xuân (102 MW) khởi công từ tháng 3/2010, nhưng năm 2015 đã chuyển giao cho chủ đầu tư mới và được Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay thương mại 125 triệu USD từ Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ). Dự án khởi công lại vào tháng 2/2017 và dự kiến cuối năm 2021 tiến hành tích nước để có thể phát điện trong nửa đầu năm 2022.
Nhiệt điện Công Thanh (1x 600 MW) vào tháng 5/2021 đã ký kết thu xếp vốn khoảng 1 tỷ USD từ Trung Quốc để triển khai. Tới nay, Dự án đã cơ bản thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và san gạt mặt bằng nhà máy chính đến cao độ +4,6 m, xây kè chắn và san gạt một phần kho than ngoài trời của khu vực cảng nhập than nhà máy…
Ở các dự án còn lại, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho biết, gần như không có hoạt động gì do gặp những khó khăn, vướng mắc kéo dài trong công tác huy động vốn, giải phóng mặt bằng, đàm phán hợp đồng mua bán điện, ảnh hưởng của Covid-19.