Bà Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính - Bộ Tài chính |
TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính - Bộ Tài chính cho rằng: “Cần cân nhắc việc đề xuất chính sách thuế carbon, để tránh tình trạng thuế trùng thuế”.
Theo TS. Nguyễn Thanh Nga, thuế carbon cũng là một loại thuế gián thu, có vài trò quan trọng tác động tới giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, ở Việt Nam có nhiều loại thuế như: thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, nên việc đề xuất chính sách thuế carbon như thế nào cần cân nhắc, để tránh tình trạng thuế trùng thuế.
Nếu áp dụng thuế carbon, thì cần có lộ trình cụ thể, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và các đối tượng chịu thuế. Việc thiết kế chính sách kế thuế carbon cần triển khai rõ ràng, được tham vấn rộng rãi, đầy đủ nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả...
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV chia sẻ: Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh ở Việt Nam được đề cập nhiều và đã được thể hiện khá đầy đủ trong các chủ trương, đề án, kế hoạch…, nhưng kết quả triển khai trên thực tế còn khiêm tốn. Để khắc phục tình trạng này, điều quan trọng là phải bắt tay hành động.
Bài học từ quốc tế cho thấy, để phục vụ cho “xanh hóa” nền kinh tế, thì nguồn lực của cả khu vực tư nhân trong và ngoài nước rất quan trọng. Để thu hút được các nguồn vốn này, Việt Nam phải có các dự án, chương trình cụ thể, hành động nghiêm túc. Hành động cần triển khai là sớm ban hành Danh mục “phân loại xanh”, trong đó nên xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và tổ chức thẩm định/xác nhận đủ tiêu chuẩn xanh. Cùng với đó, cần sớm có hướng dẫn cụ thể về khu công nghiệp sinh thái. Cũng cần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp gắn với nó là phát triển cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh.
Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đề xuất Việt Nam nên thành lập ngân hàng xanh. Tuy nhiên, thực tế quy trình, thủ tục thành lập một ngân hàng trong bối cảnh hiện nay là phức tạp, nên để đảm bảo tính khả thi trong thu xếp nguồn vốn xanh, thì cần thành lập Quỹ tăng trưởng xanh.
Chuyển đổi xanh là câu chuyện thị trường, không phải là làm từ thiện, xin - cho, cái gì ưu đãi thì phải đúng quy trình, quy định. Đây vừa là lợi ích của doanh nghiệp trong trước mắt, cũng như lâu dài, bởi họ chịu sức ép của cả thị trường trong và ngoài nước. Đã là thị trường thì phải hiệu quả. Trong bối cảnh nguồn lực của chúng ta có hạn, nhưng cái gì đáng thì vẫn phải chi. Do đó, đã đến lúc cần rà soát lại việc phân bổ vốn đầu tư công, để thay vì chủ yếu đầu tư cho đường xá, hạ tầng…, thì nay cần quan tâm đầu tư thỏa đáng cho khoa học, công nghệ, chuyển đổi xanh.
Bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho hay, tuy đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng việc triển khai các hoạt động “xanh hóa” tại DEEP C được tiến hành thực chất. Chúng tôi chỉ báo cáo với công ty mẹ (ở nước ngoài) và các cơ quan quản lý những gì đã làm được với các kết quả được chứng minh bằng thực tế các con số, đảm bảo chính xác, khách quan.
DEEP C không muốn triển khai các hoạt động phát triển xanh một cách khuôn mẫu, mà dựa theo tình hình thực tế, để có các hoạch định chính xác và phù hợp nhất áp dụng cho chiến lược phát triển của đơn vị mình.
Ông Quan Đức Hoàng - Thành viên HĐQT Công ty Quản lý quỹ Amber, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+ |
Tại diễn đàn, ông Quan Đức Hoàng, Thành viên HĐQT Công ty Quản lý quỹ Amber, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+ chia sẻ: Đa phần mọi người nghĩ tiếp cận vốn nước ngoài có chi phí rẻ, nhưng thực tế không hẳn như vậy, bởi tiếp cận nguồn vốn này phải đi kèm nhiều chi phí khác ngoài lãi suất. Ví dụ như đợt vừa rồi có một công ty bất động sản cần vốn có liên hệ với Quỹ. Chúng tôi đã kết nối được nguồn tài chính ở nước ngoài, nhưng vay trong nước còn rẻ hơn, bởi mức lãi suất 2 năm đầu là 7,5%/năm, trong khi đó vay ngoại tệ thì lãi suất cũng đã là 7,5% - 8%/năm, chưa kể các loại chi phí khác.
Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận nguồn vốn xanh, thì nên thông qua các tổ chức trung gian, bởi họ có mạng lưới để kết nối các cơ hội hợp tác. Là quỹ đầu tư xanh duy nhất tại Việt Nam, Quỹ đầu tư A+ đang thành lập thêm quỹ để làm trung gian kết nối vốn cho các dự án có quy mô 15-20 triệu USD ở Việt Nam. Rất mong có thêm nhiều quỹ xanh để thị trường sôi động.