Xử lý tài sản đảm bảo trong quá trình giải quyết nợ xấu
Tại cuộc họp, các vướng mắc đã được nêu ra, trong đó, rào cản lớn nhất là việc xử lý tài sản đảm bảo trong quá trình xử lý nợ xấu. Mặc dù tài sản đảm bảo và thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên, song với các khoản nợ xấu liên quan đến dự án lớn vẫn rất khó có thể phát mãi, chuyển nhượng.
Các rào cản trong quá trình xử lý nợ xấu, thi hành án đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu, bởi luật không cho phép ngân hàng tự phát mãi tài sản khi khoản nợ đó rơi vào nợ xấu, nếu không được sự đồng ý từ phía khách hàng, nên rất khó ngăn chặn nợ.
Giao dịch tại Ngân hàng Sài Gòn. Ảnh: Đ.T |
Liên quan vấn đề này, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn (SCB), ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, phát mãi tài sản đang còn nhiêu khê. Nếu qua thi hành án để xử lý thì rất khó khăn, tốn thời gian. Năm qua, SCB đã đẩy mạnh việc thu hồi lãi dự thu, song vẫn rất khó khăn, nhất là tại các dự án còn dở dang, chưa hoàn tất và đi vào khai thác. Vì thế, việc giải quyết các tồn đọng chưa thể chấm dứt. Năm nay, SCB sẽ quyết liệt trong việc làm thế nào để các khoản lãi dự thu không phát sinh thêm. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, trước hết, Ngân hàng phải xử lý, thanh lý và chuyển nhượng tài sản đảm bảo.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng cho hay, Ngân hàng đã rất nỗ lực xử lý nợ xấu và đã đưa tỷ lệ nợ xấu xuống mức 1,51% vào cuối năm 2016. Năm nay, OCB tiếp tục trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động, hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, quyết tâm giảm nợ xấu toàn hệ thống xuống còn 1%. Tuy nhiên, ông Tùng thừa nhận, để xử lý được nợ xấu nhanh hơn, cần tháo gỡ các rào cản trong quá trình phát mãi tài sản đảm bảo.
Khơi thông dòng tín dụng
Một vấn đề khó khăn khác trong quá trình cho vay đối với các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM là nợ xấu liên quan đến dự án. Tình hình nợ xấu liên quan đến các dự án hiện rất phức tạp, vì có những dự án đã được chuyển nhượng, nên rất khó thu hồi nợ. Ngân hàng Nhà nước đã có kiến nghị vấn đề này lên Bộ Xây dựng để tháo gỡ vướng mắc, nhưng đến nay chưa có hướng xử lý rõ ràng. Trong khi đó, nếu đưa vụ việc ra tòa án thì mất nhiều thời gian và vẫn khó giải quyết được.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc đối thoại, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ phương án giải quyết khó khăn trong vấn đề xử lý tài sản đảm bảo. Nếu hoàn tất được việc này thì mọi vấn đề trong xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo sẽ được giải quyết nhanh hơn.
“Thời gian qua, xã hội phê phán nợ xấu của ngành ngân hàng ở mức cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa có công cụ nào để có thể xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và nhanh hơn”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng các kiến nghị về việc xử lý tài sản đảm bảo trong xử lý nợ xấu sẽ được tháo gỡ, nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Hoạt động của ngành ngân hàng ngày càng đi vào thị trường, dân cư, vào các ngõ ngách của xã hội, vì thế, các vướng mắc của ngân hàng đều liên quan đến xã hội. Do đó, mọi vấn đề liên quan đến nợ xấu cần được giải quyết để ngành ngân hàng có thể chủ động được trong việc cung ứng vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ kinh tế phát triển.