Phối cảnh dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – TP.HCM |
Đây là một trong những ý kiến đáng chú ý của Bộ GTVT tại công văn số 4098/BGTVT - KHĐT khi tham gia ý kiến góp ý về Đề cương “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Tp.HCM”.
Liên quan đến phạm vi của Đề án, Bộ GTVT cho rằng UBND TP.HCM cần nghiên cứu, đánh giá tác động đến mạng lưới vận tải, xếp dỡ các cảng biển xuất nhập khẩu container trong nước và các cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực.
Theo Bộ GTVT, tại Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn (trong đó hàng công ten từ 38 đến 47 triệu TEU); hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách.
Triển khai Nghị quyết 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đã chỉ đạo lập điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20501.
Theo đó, đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa 1.322 đến 1.589 triệu tấn (trong đó hàng container từ 46 đến 54 triệu TEU); hành khách từ 20,6 đến 21,1 triệu lượt khách. Như vậy, lượng hàng hóa (gồm hàng container) theo kết quả điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng so với lượng hàng dự báo tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.
Vì vậy, Đề án cần cập nhật số liệu dự báo hàng hóa mới, đánh giá năng lực thông qua, luồng hàng container đến, đi các bến cảng container khi lượng hàng container tăng theo số liệu dự báo.
Bộ GTVT khuyến nghị UBND TP.HCM phân tích, đánh giá kỹ ảnh hưởng của việc đầu tư xây dựng khu bến Cần Giờ đến phân bổ lượng hàng, luồng hàng, tuyến vận tải hàng hải của khu vực và cả nước; đánh giá tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của các khu bến cảng đã đầu tư, quy mô, lộ trình đầu tư các bến cảng, khu bến cảng đang hoạt động và được quy hoạch thời gian tới thuộc cảng biển TP.HCM như khu bến Cát Lái, Hiệp Phước…., đến các bến cảng, khu bến cảng biển lân cận như Cái Mép - Thị Vải (cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu) và đến khu bến cảng Lạch Huyện (cảng biển Hải Phòng).
Đối với công tác phân tích thị trường, dự báo hàng hóa thông qua cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi hình thành, UBND TP.HCM cần dự báo rõ 2 loại hàng hóa gồm: hàng trung chuyển quốc tế (dự báo hoặc cam kết cụ thể về khối lượng, cơ cấu hàng trung chuyển quốc tế do hãng tàu mang về Việt Nam); hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam qua cảng biển này để từ đó đánh giá tác động đến lộ trình phát triển các cảng biển, khu bến đang khai thác và các bến đã được quy hoạch.
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND TP.HCM đề xuất ý tưởng thiết kế và sơ bộ hoạch định lộ trình quy hoạch theo từng giai đoạn phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ như kích thước, công suất, khả năng tiếp nhận tàu và các tiện ích liên quan; làm rõ về kết nối giao thông đường bộ, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo hoạt động khai thác cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ theo từng giai đoạn; sơ bộ phương án đảm bảo an toàn hàng hải cho cỡ tàu lớn nhất qua sông Lòng Tàu phù hợp tĩnh không thông thuyền cầu đường bộ.
Bộ GTVT cho biết, kết quả lập Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM là cơ sở để Cục Hàng hải Việt Nam, Tư vấn cập nhật điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam và hoàn thiện Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 4, Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Do vậy, đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai lập, sớm hoàn thiện Đề án, làm cơ sở Bộ GTVT cập nhật, hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, Quy hoạch chi tiết các Nhóm cảng biển và Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM trình cấp thẩm quyền phê duyệt và phê duyệt theo quy định”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.