Tối ngày 15/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM. Buổi họp diễn ra trong bối cảnh chỉ còn ít giờ nữa, TP.HCM chính thức kết thúc một tháng giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86 của Chính phủ (từ ngày 15/8) và hơn 3 tuần thực hiện các biện pháp siết chặt giãn cách theo Công điện 1099 của Thủ tướng (từ ngày 23/8).
Ngoài 3 quận, huyện "vùng xanh", UBND TP.HCM giao chủ tịch UBND địa phương xem xét đề xuất thí điểm mở lại một số hoạt động khi địa bàn đạt điều kiện đảm bảo phòng chống dịch (ảnh: Trọng Tín) |
Mở đầu họp báo, ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết, cho biết 18h tối nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Pham Văn Mãi đã ký văn bản 3072/UBND-VX về việc thực hiện các biện pháp giãn cách cụ thể kể từ từ 0h ngày 16/9 đến hết 30/9 theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ, Kế hoạch 2715 và Chỉ thị 11 của UBND TP.HCM.
Làm rõ hơn về thông điệp sau ngày 15/9, ông Phạm Đức Hải cho biết theo Công điện 1099 của Thủ tướng yêu cầu TP.HCM tăng cường thực hiện giãn cách xã hội. Còn tại Công văn 3072 của UBND TP.HCM là tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
“Thành phố sẽ áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo phương châm nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả trên từng địa bàn cụ thể, không phải ‘ai ở đâu ở yên đó’ mà theo địa bàn cụ thể”, ông Hải làm rõ.
Thành phố xác định mục tiêu giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể trong vòng 14 ngày. Thần tốc xét nghiệm, đối với vùng nguy cơ cao phải xét nghiệm 3 lần/7 ngày, ưu tiên xét nghiệm kháng nguyên để bóc tách F0 nhanh. Khi xét nghiệm PCR phải trả kết quả trong vòng 12h, thực hiện xét nghiệm trong từng địa bàn, tránh lây nhiễm chéo, tập trung lấy mẫu cho địa bàn nguy cơ cao, rất cao, tổ chức nhiều đội lấy mẫu.
Việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể thực hiện bởi tình nguyện viên, người dân. Thành lập các trạm y tế lưu động, theo nguyên tắc gần dân nhất. Thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định giãn cách, nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải từng bước, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Áp dụng Thẻ xanh Covid tại 3 quận, huyện "vùng xanh"
Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, theo văn bản 3072, Công an Thành phố sẽ tiếp tục cấp giấy đi đường cho nhóm đối tượng được phép lưu thông theo Công văn 2800, 2850 và 2994. Các giấy đi đường công an đã cấp tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 30/9.
TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện “đi chợ hộ” cho người dân (ảnh: Lê Toàn) |
Về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, TP.HCM tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch 2798 và Công văn 2994 của UBND TP.HCM. Như vậy, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện “đi chợ hộ” cho người dân.
Riêng các địa bàn cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ; các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn 3 quận, huyện này thì được thực hiện thí điểm một số hoạt động.
Các địa phương nói trên cho phép người dân đi chợ 1 lần/tuần; bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động theo kế hoạch của UBND quân/huyện nhưng phải tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn do UBND TP.HCM ban hành.
Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Khu công nghệ cao chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức thực hiện sản xuất theo Kế hoạch 2715 và Bộ tiêu chí an toàn mà UBND TP.HCM ban hành.
Các địa phương này sẽ thí điểm triển khai “Thẻ xanh Covid-19” gắn với mã QR cá nhân. Việc thí điểm đảm bảo 5K, xét nghiệm kháng nguyên định kỳ.
Công an TP.HCM sẽ tiếp tục cấp giấy đi đường cho nhóm đối tượng được phép lưu thông trong 2 tuần tới (ảnh: Lê Toàn) |
Thông tin rõ hơn về “Thẻ xanh Covid-19”, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM cho biết, thành phố không áp dụng thí điểm “thẻ xanh Covid” rộng rãi. Cụ thể, thành phố chỉ áp dụng tại một số đơn vị nhất định tại Quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ.
Trong đó, Quận 7 được áp dụng tại 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, huyện Củ Chi, Cần Giờ sẽ áp dụng tại một số cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm, du lịch.
Những đơn vị khác tại 3 địa phương này không thí điểm “thẻ xanh Covid” thì sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát đang thực hiện của thành phố.
Ngoài ra, TP.HCM đã triển khai thí điểm áp dụng ứng dụng khai báo điện tử thống nhất. Việc sử dụng ứng dụng này nhằm mục đích giảm bớt số ứng dụng thành phố cần áp dụng để kiểm soát dịch bệnh, người dân giảm lược được giấy tờ và chính quyền thành phố chủ động trong dự liệu.
Ông Thắng thông tin thêm, ngoài phục vụ công tác phòng, chống dịch, ứng dụng này được định hướng để phục vụ công dân TP.HCM trong việc sử dụng các tiện ích sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Nhiều loại hình kinh doanh được hoạt động từ 6h - 21h
Có nhiều điểm mới trong kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ ngày16/9 – 30/9.
shipper được phép hoạt động liên quận từ 6h - 21h hàng ngày với điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần (ảnh: Lê Toàn) |
Thứ nhất, shipper được phép hoạt động liên quận từ 6h - 21h hàng ngày với điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần. Ngân sách Thành phố chi trả chi phí xét nghiệm cho lực lượng này đến hết 30/9.
Thứ hai, Thành phố cho phép các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh) hoạt động từ 6h - 21h hàng ngày, bao gồm: Dịch vụ bưu chính, viễn thông; thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập; Dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; các cơ sở kinh doanh này hoạt động "3 tại chỗ", chỉ bán qua đặt hàng trực tuyến; Dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y; Dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng phục vụ hoạt động này; Sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh này phải đăng ký với UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức hoặc phường, xã, thị trấn để được cấp giấy đi đường. Bên cạnh đó, nhóm này cần đảm bảo một số điều kiện.
Đó là, nhân viên giao hàng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ được hoạt động nội quận/huyện/TP. Thủ Đức, xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần, kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.
Người lao động tại nơi làm việc phải được tiêm ngừa ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19 và xét nghiệm 5 ngày/lần (mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3). Kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.
Giải thích thêm điểm này, ông Lê Hòa Bình cho biết, Công văn 2994 chỉ cho phép các loại hình dịch vụ này chỉ được giao hàng thông qua shipper nhưng trong quá trình thực hiện có gây khó khăn cho cửa hàng này. Lần này, TP.HCM cho phép các nhân viên đảm bảo điều kiện tương tự như shipper thì được đi giao hàng, nhưng chỉ trong địa bàn quận/huyện/TP. Thủ Đức.
Cho phép mở rộng các công trình được thi công
Đối với các công trình đang thi công trên địa bàn TP.HCM, ông Lê Hòa Bình cho biết, Thành phố cho phép công trình xây dựng, giao thông được phép tổ chức thi công trên cơ sở tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn được UBND TP.HCM ban hành.
Các sở, ngành, địa phương tùy theo tình hình an toàn phòng, chống dịch tại địa bàn, đề xuất các danh mục công trình cụ thể để Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất với UBND TPHCM.
Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức chỉ đạo các phường, xã, thị trấn xém xét quyết định, cho phép hoạt động lại các sinh hoạt thể dục thể tạo tại công viên thuộc khu dân cư, chung cư ở vùng xanh.
Phó chủ tịch Lê Hòa Bình lưu ý, ngoài Quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi, Chủ tịch UBND các địa phương còn lại tùy theo tình hình dịch bệnh để đề xuất mở cửa lại một số hoạt động khi đạt các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Hôm qua (ngày 14/9), Hội nghị lần thứ tám (mở rộng), Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thống nhất lộ trình “mở cửa nền kinh tế” theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 1/10/2021 đến 31/10/2021; Giai đoạn 2 từ 1/11/2021 đến 15/1/2022 và giai đoạn sau đó.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn Thành phố từ sau ngày 15/9 là kế hoạch rất quan trọng, không chỉ đối với TP.HCM mà còn tác động với vùng kinh tế phía Nam.
Đây là cơ sở mang tính pháp lý để Thành phố chuyển sang giai đoạn bình thường mới, từng bước hoàn thiện các giải pháp và thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra.
Ông Nên cho hay, Hội nghị đã thống nhất chọn Cần Giờ, Củ Chi và quận 7, trong đó có một số khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp FDI đủ điều kiện thì tiến hành cho hoạt động có kiểm soát.
“Tình hình dịch bệnh diễn biến như hiện nay, chủng Delta diễn biến như hiện nay, thì khó có điều gì có thể chắc chắn việc gì ở phía trước, nhưng không vì thế mà chùn bước, không quyết tâm, quyết liệt để thực hiện các giải pháp cần thiết trên địa bàn”, ông Nên nói.
Ông Nên nhấn mạnh, mục tiêu tối thượng của Thành phố là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Vì thế, khi tình thế buộc phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt thì luôn luôn phải tính đến các yếu tố hạn chế mức thấp nhất làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và sức khỏe của nền kinh tế.