Nguồn nhân lực chất lượng trong ngành ngân hàng đang thiếu hụt rất lớn |
Trong năm nay, nhiều ngân hàng có kế hoạch tuyển dụng nhân sự khá rầm rộ, ít thì hàng trăm người (VietBank, NamA Bank…), nhiều thì trên dưới 2.000 nhân sự (Techcombank, Sacombank…). Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển khối bán lẻ, ngân hàng không chỉ tuyển nhân viên làm việc chính thức, mà còn tuyển đội ngũ cộng tác viên.
Tìm hiểu của Đầu tư ở một số ngân hàng cho thấy, nhu cầu tuyển mới diễn ra ở mọi vị trí, từ lãnh đạo đến nhân viên, song chủ yếu tập trung ở mảng bán lẻ. Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Sacombank hiện đang có lượng nhân sự dồi dào nhất với khoảng 12.000 người, tiếp đó là ACB với hơn 9.000 người.
Theo số liệu tổng hợp từ các báo cáo tài chính, cũng như được công bố rộng rãi từ các ngân hàng, hiện có trên 200.000 nhân sự làm việc cho các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển mới nhân viên trong giai đoạn này chủ yếu từ các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Trong đó, nhân sự cấp cao là vị trí mà các ngân hàng luôn “đỏ mắt” kiếm tìm.
Làn sóng M&A lĩnh vực ngân hàng trỗi dậy trong giai đoạn ngành đẩy mạnh tái cấu trúc, cũng là thời điểm các nhà băng có sự thay đổi mạnh mẽ nhân sự ở các vị trí chủ chốt. Nhưng điều đáng nói là các nhân sự chủ chốt này, nhất là vị trí CEO của các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, chỉ “chạy vòng quanh”.
Chẳng hạn, VietABank vừa ra quyết định bổ nhiệm chức vụ Quyền Tổng giám đốc đối với ông Lê Xuân Vũ. Được biết, trước khi đầu quân cho VietABank, ông Vũ là Phó tổng giám đốc HDBank từ năm 2013, tức có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng và đã từng làm việc tại các ngân hàng Techcombank, HSBC...
Trước đó, VietABank đã miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với bà Phương Thanh Nhung. Ngoài ra, VietABank còn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hảo giữ chức Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng. Mới đây, một cán bộ của Techcombank là ông Nguyễn Đăng Thanh cũng đã được VietBank chiêu mộ, giữ vị trí Phó tổng giám đốc ngân hàng này.
Với việc ngành ngân hàng vẫn đang nỗ lực tái cấu trúc như hiện nay, làn sóng dịch chuyển nhân sự được dự báo sẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên, ở các vị trí cấp cao lại không có nhiều gương mặt mới, bởi từ trước đến nay, nhân sự cấp cao trong ngành ngân hàng vẫn luôn khan hiếm.
Theo đánh giá của Navigos Search, các ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, sản xuất, công nghệ thông tin là các ngành có cầu tuyển dụng lớn nhất, đặc biệt là ở các vị trí nhân sự cấp cao. Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Viet Victory, Trung tâm thực hành Tài chính – Ngân hàng cho hay, nguồn nhân lực chất lượng trong ngành ngân hàng đang thiếu hụt rất lớn. Mỗi đợt phỏng vấn, luôn có hàng ngàn ứng viên tham gia, tuy nhiên, các ngân hàng chỉ tuyển được không quá 20%, đó là chưa kể đến các vị trí nhân sự cấp cao vẫn không hề dễ tìm. Vì thế, hầu hết các ngân hàng đều ưu tiên lựa chọn “người cũ”, bởi họ đã có kinh nghiệm trong điều hành.
Để có được nguồn nhân lực chất lượng, các chuyên gia cho rằng, không thể để “nước đến chân mới nhảy”, mà ngân hàng luôn phải có chiến lược tuyển dụng cụ thể, đào tạo bài bản và đầu tư dài hơi. Chiến lược nhân sự gắn liền với chiến lược kinh doanh. Vì vậy, để phục vụ khách hàng tốt nhất, ngân hàng phải luôn xác định được nhân sự phù hợp cho mỗi dịch vụ của mình. Nếu thị trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu về những nhân sự này, ngân hàng sẽ phải có chiến lược đào tạo rõ ràng và công việc này phải được thực hiện thường xuyên.
Theo kết quả tổng hợp mới nhất về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) tiến hành, môi trường kinh doanh và kết quả hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng đã có sự cải thiện rõ rệt trong năm 2015, là tiền đề cho các tổ chức tín dụng kỳ vọng về bước cải thiện trong năm 2016. Khi môi trường làm việc tốt lên, ngành ngân hàng có thể sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hút nhân sự giỏi, nhu cầu tuyển dụng nhân sự theo đó cũng sẽ tăng lên.