VCCI đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục quan tâm đến đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội khi tham gia góp ý Dự thảo Luật Nhà ở.
“Trên thực tế, vẫn còn nhiều đối tượng không thuộc đối tượng được hưởng chính sách, nhưng không có khả năng mua nhà ở thương mại, như những người lao động đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức thấp”, ông Tuấn lý giải.
Người lao động phải nộp thuế thu nhập cá nhân, dù mức thấp, cũng không được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo Dự thảo Luật Nhà ở |
Theo Điều 74 Dự thảo Luật Nhà ở đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội chủ yếu là những người có thu nhập thấp, không có điều kiện mua nhà ở thương mại.
Theo quy định tại Điều 76.1.b thì “những người thu nhập thấp tại khu vực đô thị”; “công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp”; “cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức” để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, ông Tuấn phân tích, thuế thu nhập cá nhân của nước ta không phải là thuế đánh vào những người có thu nhập cao. Những người nộp thuế thu nhập đối với khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương chưa hẳn là những người có thu nhập cao, vì lương trên 11 triệu đồng đã phải chịu thuế rồi.
“Với mức lương này cùng với các khoản chi tiêu trong cuộc sống thì việc người lao động có thể tích góp để mua được nhà ở thương mại là rất khó”, ông Tuấn phân tích.
Đây là lý do đại diện VCCI đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo hướng, những người thuộc diện phải nộp thuế thu nhập đối với khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định về thuế thu nhập cá nhân (tuy nhiên có giới hạn về mức đóng thuế - có thể là đóng thuế ở mức lũy tiến thứ 2 chẳng hạn) cũng thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Cũng phải nói thêm, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có cuộc khảo sát người lao động đang có việc làm vào tháng 5/2023 về những khó khăn khi mua nhà ở xã hội. Khó khăn lớn nhất, khoảng 39% người lao động gặp phải, là không đủ điều kiện. Các khó khăn tiếp sau là thiếu tài chính sẵn có cho các khoản đóng góp ban đầu, khó cạnh tranh suất mua, hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp.
Giới hạn định mức tối đa của lợi nhuận của chủ đầu tư 10% là khá thấp
Không chỉ còn băn khoăn về đối tượng mua nhà ở xã hội, đại diện VCCI cũng không đồng tình với quy định Giới hạn định mức tối đa của lợi nhuận của chủ đầu tư mà Dự thảo đang đưa ra.
Điểm c khoản 2 Điều 83 Dự thảo quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội “được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội”.
Quy định này được hiểu nhằm kiểm soát về giá nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông Tuấn nhận định, giới hạn định mức này là khá thấp. Bởi vì, khi thực hiện dự án đầu tư, chủ đầu tư phải đi vay thương mại khoảng 70% chi phí đầu tư với lãi suất dao động 10%/năm (nếu được hỗ trợ lãi suất thì có thể lãi suất giảm xuống khoảng 8%).
Với tình trạng này, chủ đầu tư rất khó để có lãi, nhất là khi không bán được hàng và có tỷ lệ tồn kho lớn.
“Đề nghị xem xét cân nhắc nâng giới hạn định mức này lên”, ông Tuấn đề nghị và nhấn mạnh tới phản ánh của doanh nghiệp là, một trong những lý do khiến doanh nghiệp “không mặn mà” với dự án nhà ở xã hội vì việc tìm kiếm được lợi nhận từ các dự án này là khá khó khăn.
Ngoài ra, VCCI cũng góp ý đến việc bán, cho thuê nhà ở xã hội, chỉ cần quy định đối tượng mua, thuê là phải thuộc diện được mua nhà ở xã hội là đủ, không cần điều kiện chủ đầu tư không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư.
VCCI cho rằng, quy định này là chưa hợp lý, khiến cho việc mua bán nhà ở xã hội trở nên phức tạp (vì phải đề nghị chủ đầu tư mua lại, khi chủ đầu tư từ chối mua thì mới được bán), chưa đảm bảo quyền lợi cho bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội (quyền lựa chọn khách hàng).
Xét về mặt quản lý, Nhà nước chỉ cần quan tâm nhà ở xã hội có bán đúng đối tượng thuộc diện mua hay không, trong trường hợp này, bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội đã bán cho “đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội” rồi.