Điểm nóng
Nhiều người tham lãi suất cao trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt trăm tỷ
Huệ Nguyễn - 12/03/2023 22:58
Nhiều bị hại, bị cáo liên quan tới việc vay mượn, đảo nợ và gửi tiết kiệm đồng sở hữu với Nguyễn Thị Hà Thành được xác định cho vay lãi nặng, lãi suất cao.

Sập bẫy vì tham lãi suất cao, cho vay lãi nặng

Ngày 12/3, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi Nguyễn Thị Hà Thành và 25 bị cáo liên quan tới các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cho vay lãi nặng và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”.

Trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á (VietABank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), và nhiều cá nhân với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, bị cáo này đã dùng thủ đoạn lấy số tiền sau trả lãi cho số tiền trước, của người sau trả cho người trước.

Nguyễn Thị Hà Thành trả lời Hội đồng xét xử.

Khi chưa bị đứt gãy dòng tiền đi vay, bị cáo này vẫn trả đầy đủ, thậm chí khi đi vay, Thành trả trước toàn bộ lãi suất trong thời hạn định vay, nên được nhiều người tin tưởng.

Thêm vào đó, bị cáo này trả lãi rất cao, thậm chí cao hơn nhiều so với quy định của pháp luật, khiến nhiều người cho vay đã trở thành bị cáo trong vụ án, bị truy tố và xét xử về hành vi cho vay lãi nặng.

Tuy nhiên, đến thời điểm kinh doanh bị thua lỗ, Nguyễn Thị Hà Thành tìm các cá nhân cho vay lãi nặng, rủ gửi tiết kiệm đồng sở hữu rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền của 3 ngân hàng.

Năm 2017, Thành quen với Nguyễn Giang Hòa và đề nghị vay tiền của ông này bằng hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu tại Ngân hàng VAB và trả lãi 15%/6 tháng ngay khi vay.

Cụ thể, trong năm 2017, Thành vay Hòa 10 tỷ đồng bằng hình thức này và đã tất toán. Đến ngày 7/3/2018, Thành tiếp tục vay của Hòa 10 tỷ đồng để lập hồ sơ gửi tiết kiệm đồng sở hữu với Thành trị giá 20 tỷ (mỗi bên góp 10 tỷ).

Ngoài khoản vay trên, lấy lý do cần tiền gấp trong thời gian ngắn, nên cuối năm 2018, Thành tiếp tục hỏi vay bị cáo Hòa 2 tỷ và cho biết, chỉ có nhu cầu sử dụng 4 ngày nhưng sẽ trả lãi 100 triệu đồng cho Hòa theo 1 chu kỳ là 10 ngày (tương 5.000 đồng/triệu/ngày).

Do Thành không có tài sản thế chấp, nên Hòa yêu cầu cầm cố chiếc xe Lexus RX 350 của Thành để đảm bảo khoản vay. Khi chuyển khoản cho Thành, bị can Hòa đã trừ ngay 100 triệu đồng tiền lãi.

Hết thời hạn 4 ngày theo thoả thuận, Thành chưa có tiền trả nên lại tiếp tục hỏi vay Hòa thêm 3 tỷ đồng. Khi đó, em gái của Hòa là Nguyễn Thị Thu Hà đã đồng ý cho Thành vay. Thành thống nhất cùng Hòa và nhận nợ tổng cộng 5 tỷ đồng.

Tương tự với khoản vay 2 tỷ trước, Thành bị trừ ngay 150 triệu đồng tiền lãi cho khoản vay 3 tỷ này; đồng thời sau đó Thành tiếp tục chuyển 100 triệu đồng tiền lãi trả cho khoản vay 2 tỷ của Hòa.

Viện Kiểm sát xác định, Hòa đã cho Thành vay với lãi suất lên tới 182,5%/năm, chu kỳ trả lãi 10 ngày đã trả lãi 2 kỳ số tiền 200 triệu đồng. Trong khi số tiền lãi tính theo mức lãi suất cao nhất 20%/năm theo quy định là gần 22 triệu đồng. Do đó, Nguyễn Giang Hòa phải chịu trách nhiệm về hành vi cho vay lãi nặng với số tiền 2 tỷ đồng, số tiền thu lời bất chính là hơn 178 triệu đồng.

Trước Hội đồng xét xử, bị cáo Hòa phủ nhận việc cho Thành vay với lãi suất 15%/6 tháng, đồng thời cho rằng đó là khoản tiền “bồi dưỡng”.

Ngoài ra, Thành còn vay lãi nặng của các cá nhân Triệu Đình Hoan, Nguyễn Thị Là, Triệu Thị Hạnh, Phạm Thế Tuấn, Nguyễn Thị Hồng Hạnh.

Nhân viên Ngân hàng VietABank tiếp tay vì Thành là “khách VIP”

Trong vụ án, Ngân hàng hàng VietABank được xác định bị chiếm đoạt nhiều nhất, với số tiền hơn 273 tỷ đồng. Cơ quan chức năng xác định, Nguyễn Thị Hà Thành đã cấu kết cùng một số cựu cán bộ ngân hàng này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, Thành bị cáo buộc móc nối với bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương, Chuyên viên quan hệ khách hàng Phòng Khách hàng doanh nghiệp và Quản Trọng Đức, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng Phòng giao dịch Đông Đô VietABank.

Nguyễn Thị Hà Thành thống nhất với Hương và Đức sẽ cùng người đồng sở hữu gửi tiết kiệm số lượng tiền lớn vào Ngân hàng VAB, nhưng cho biết ngay sau khi gửi tiền, Thành sẽ cầm cố chính sổ tiết kiệm này để vay lại tiền của ngân hàng.

Mặc dù đã biết Thành có hành vi ký giả chữ ký của các đồng sở hữu để vay tiền tại Ngân hàng VietABank, nhưng Hương vẫn lập các giấy tờ trên để đưa cho các đồng sở hữu, để họ tin tiền của mình đã được ngân hàng phong toả.

Quản Trọng Đức biết rõ, ngay sau khi gửi tiền, nhóm khách hàng này sẽ cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền ra. Tuy nhiên, Đức vẫn “dặn dò” với các nhân viên khác rằng Nguyễn Thị Hà Thành là “khách hàng VIP”, nên phải hỗ trợ tối đa cho Thu Hương (trong việc làm các thủ tục).

Trước Hội đồng xét xử, bị cáo Thu Hương đã thừa nhận thủ đoạn trên được thực hiện nhiều lần, với mục tiêu duy nhất là làm hài lòng khách hàng, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu chi nhánh.

“Thành là khách VIP do bị cáo chăm sóc, bị cáo có nhiệm vụ trợ giúp. Bản chất việc Thành vay tiền khách hàng khác chỉ diễn ra trong ngày, thậm chí vài giờ”, Nguyễn Thị Thu Hương khai.

Bị cáo này thừa nhận những hành vi sai trái, nhưng lý giải nguyên nhân là do thực hiện theo sự chỉ đạo, yêu cầu của cấp trên là Đặng Thị Quỳnh Hương, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân - Phòng giao dịch Đông Đô.

Tin liên quan
Tin khác