Đã từng rất “hot” nay không còn “mặn mà” nữa
Mùa tuyển sinh 2024, nhiều người “ngã ngửa” khi điểm chuẩn các ngành khối sư phạm của Trường đại học Sư phạm TP.HCM theo phương thức xét điểm học bạ THPT dao động từ 25,99 đến 29,81 điểm, tương đương ngành cao nhất gần 10 điểm/mỗi môn.
Ở các ngành còn lại, điểm chuẩn xét học bạ cũng ở mức trên 26 điểm, chủ yếu tập trung từ 27-28 điểm. Khẳng định vị trí “đỉnh chóp” của mình là thế, tuy nhiên, theo dự kiến đề án tuyển sinh năm 2025, trường này sẽ không còn sử dụng điểm học bạ trong xét tuyển, chỉ giữ lại những điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đã từng rất "hot" ở các mùa tuyển sinh trước, phương thức xét tuyển học bạ được nhiều trường đại học thông báo bỏ hẳn hoặc giảm chỉ tiêu tuyển sinh từ năm 2025. |
Thay vào đó, trường định hướng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trở thành phương thức xét tuyển chủ đạo, chiếm 40-50% chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến chiếm 20% - 40%. Phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến chiếm 10% chỉ tiêu; ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên chiếm 10-20% chỉ tiêu.
Việc này được thực hiện trên quan điểm chung đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi đối với thí sinh và đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại.
Đại học Quốc gia TP.HCM cũng bỏ ưu tiên xét tuyển và các phương thức riêng của trường thành viên, thống nhất 3 cách tuyển sinh từ năm 2025 gồm xét tuyển thẳng; xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức; xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các trường thành viên được khuyến khích xét tuyển kết hợp. Trước đó, phương thức ưu tiên xét tuyển được áp dụng với học sinh học tập và tốt nghiệp THPT tại 149 trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển, thường dựa vào điểm học bạ và giải thưởng.
Với Trường đại học Công Thương TP.HCM cũng quyết định giảm chỉ tiêu xét tuyển học bạ từ 30% xuống chỉ còn 15%. Sau đó, theo tiến trình, trường cũng sẽ bỏ hẳn phương thức này.
Với các trường thuộc khu vực phía Bắc như Đại học Kinh tế Quốc dân từ năm 2024 đã không còn xét tuyển bằng học bạ, dù các năm trước đó tỷ lệ này chiếm khoảng 10-15% chỉ tiêu. Năm 2025, trường dự kiến vẫn áp dụng 3 phương thức xét tuyển là phương thức xét tuyển thẳng chiếm 2% chỉ tiêu; phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 83% chỉ tiêu, tăng 3% so với năm 2024; phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chiếm 15% chỉ tiêu, giảm 3% so với năm 2024.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường cho biết vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Từ năm 2022 đến nay, Đại học Bách khoa Hà Nội không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ vì nhiều bất cập.
Xét tuyển học bạ khó đảm bảo được chất lượng đầu vào
Thực tế ở nhiều trường đại học, số thí sinh được xét tuyển bằng điểm học bạ khá nhiều. Vì thế, theo nhiều chuyên gia, tuyển sinh theo phương thức này không đảm bảo được chất lượng đầu vào.
Cụ thể, các trường lấy tiêu chí xét học bạ chủ yếu là điểm 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12), điểm lớp 11 và lớp 12 hoặc điểm 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12). Hiếm hoi lắm mới có trường sử dụng điểm 6 học kỳ hoặc điểm học bạ chỉ là một tiêu chí xét kết hợp với phương thức khác.
Về chỉ tiêu, đa số các trường đều dành trên 20% cho xét học bạ nhưng có trường dành tới 40% - 50% tổng chỉ tiêu. Có trường xét tuyển học bạ trong nhiều đợt.
GS. Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết kết quả đánh giá học bạ luôn cao hơn kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này dễ thấy vẫn còn tình trạng cả nể, dễ dãi trong đánh giá theo học bạ.
Lý do đưa ra việc bỏ hẳn hoặc giảm xét tuyển theo phương thức học bạ: khó đảm bảo được chất lượng đầu vào. |
PGS. Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nhiều trường đại học đang “quay xe” với tuyển sinh học bạ vì có nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất, tuyển sinh theo phương thức học bạ không đảm bảo được chất lượng đầu vào.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có sự chênh lệch điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ khá lớn. Theo PGS. Trần Thành Nam, những nghiên cứu ban đầu của Trường đại học Giáo dục cho thấy, điểm học bạ cao không tỉ lệ thuận với điểm học đại học và tỷ lệ cam kết theo đến cùng ngành học của xét học bạ rất thấp.
“Việc xét tuyển bằng học bạ có thể làm cho chất lượng đầu vào đại học kém”, ông Nam khẳng định.
Nhiều trường đại học cho rằng, việc sử dụng học bạ trong xét tuyển có thể dẫn đến tình trạng gian lận hoặc làm đẹp điểm số, ảnh hưởng đến tính minh bạch trong tuyển sinh.
Đồng thời, việc xét tuyển bằng học bạ có thể khiến học sinh chủ quan, chểnh mảng trong học tập và ôn thi tốt nghiệp THPT, ảnh hưởng đến chất lượng.