Đầu tư và cuộc sống
Nhiều trường đại học công bố điểm sàn thi đánh giá năng lực
D. Ngân - 10/04/2023 19:23
Hiện nhiều trường đại học đã rục rịch công bố điểm sàn thi đánh giá năng lực để tuyển sinh năm học mới.

Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM là từ 850/1.200 điểm. 

Mức điểm sàn theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là 100/150 điểm.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận hồ sơ xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực năm 2022 hoặc năm 2023 của Đại học Quốc gia TP.HCM là 700 theo thang 1.200 điểm, theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là từ 85 điểm trở lên.

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM dành 10-15% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM. Đối với các ngành Công nghệ thực phẩm, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin và Marketing, mức điểm sàn từ 700 điểm trở lên.

Thí sinh vào phòng thi tại địa điểm thi Trường Đại học Công nghệ – ĐHQG Hà Nội

Thí sinh xét tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Kinh doanh quốc tế, Kế toán phải đạt tối thiểu 650 điểm. Các ngành còn lại sẽ nhận hồ sơ từ mức 600 điểm.

Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM dành 25% chỉ tiêu ngành để xét hồ sơ tuyển sinh với thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt 1. Mức điểm sàn từ 700 điểm.

Trong khi đó, Trường Đại học Hoa Sen thực hiện xét tuyển trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM từ 600 điểm trở lên cho tất cả các ngành. 

Ngoài ra, trường còn xét tuyển điểm đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào Trường Đại học Kinh tế-Tài chính TP.HCM theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM là từ 600 điểm theo thang điểm 1.200 ở tất cả ngành học.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng thông báo, thí sinh xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM cần đạt ngưỡng điểm từ 600 trở lên (chưa bao gồm điểm ưu tiên). 

Thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Đại học Quốc gia TP.HCM từ ngày 5/4.

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, năm 2023 ghi nhận thêm nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Bên cạnh đó, cũng ngày càng có nhiều thí sinh tham dự các kỳ thi này với mong muốn tăng cơ hội vào đại học.

Trước đó, sáng ngày 26/3, đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của Đại học Quốc gia TP.HCM đã diễn ra với gần 90.000 thí sinh dự thi, tăng 9% so với năm 2022. 

Được biết, tới 90 trường cao đẳng, đại học dùng kết quả này để xét tuyển. Đây được xem là đợt thi có sức hút kỷ lục trong 6 năm tổ chức của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Lý giải về việc lượng đăng ký dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM tăng, đại diện nhà trường cho hay, do kỳ thi năm nay có một số thay đổi, trong đó có việc tăng thêm 4 địa điểm tại các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long, nâng tổng số địa điểm thi lên 21 tỉnh, thành phố, tạo thuận lợi cho thí sinh tham gia kỳ thi này.

Bên cạnh đó, điều quan trọng là kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM có chất lượng. Số trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi ngày càng tăng.

Còn tại Đại học Quốc gia Hà Nội, số lượng thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 tăng gần 1.000 em so với năm 2022 với 3.872 thí sinh tại 5 địa điểm thi. Đợt thi thứ hai, dự kiến số lượng thí sinh khoảng 44.474 em. Các đợt thi trong tháng 5-6/2023 dự kiến có khoảng 50.000 thí sinh. Năm 2023, có trên 60 trường đại học cả nước sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh.

Tin liên quan
Tin khác