Buộc phải tăng
Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2021, mức trần học phí của các trường đại học chưa tự chủ dao động từ 13,5 đến 27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng). Các trường đại học tự chủ có mức học phí cao gấp 2 - 2,5 lần so với các trường chưa tự chủ.
Sau 2 năm giữ nguyên học phí nhằm chia sẻ khó khăn do Covid-19, đến năm học này, nhiều trường đại học đồng loạt tăng học phí. Chẳng hạn, Học viện Tài chính dự kiến mức học phí là 22 - 24 triệu đồng/năm với các ngành đào tạo chương trình chuẩn (tăng 10 - 20% so với hiện tại). Trường đại học Điện lực đưa ra mức học phí năm học tới là 16 - 18 triệu đồng/năm học (tăng 14% so với hiện tại).
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên hơn 500.000 đồng/tín chỉ đối với khóa tuyển mới sắp tới. Với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ là 1,3 triệu đồng/tín chỉ.
Trường đại học FPT tăng học phí chính khóa lên 28,7 triệu đồng/học kỳ (57,4 triệu đồng/năm học). Được biết, năm 2020 và 2021, mức học phí là 25,3 triệu đồng/học kỳ; năm 2022 và 2023, học phí là 27,3 triệu đồng/học kỳ.
Ở khu vực phía Nam, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nâng mức học phí lên 940.000 đồng/tín chỉ với chương trình chuẩn. Với các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, mức học phí gấp 1,4 lần so với các học phần giảng dạy bằng tiếng Việt. Năm 2022, học phí của trường ở mức 715.000 đồng/tín chỉ (tương đương 22,5 - 29,9 triệu đồng/năm).
Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) quyết định mức học phí lên 30 triệu đồng/năm với chương trình trình chuẩn, tăng 2,5 triệu đồng so với mức dự kiến năm 2022.
Khoa Y (Đại học Quốc gia TP.HCM) dự kiến tăng học phí các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền, dược học lên mức 55,2 triệu đồng/năm (tăng 6,2 triệu đồng so với năm học trước). Riêng ngành điều dưỡng có mức học phí 41,8 triệu đồng/năm (tăng 4,8 triệu đồng so với năm học trước).
Trao đổi về việc tăng học phí từ năm học này, đại diện một số trường đại học cho hay, họ buộc phải tăng học phí để duy trì hoạt động.
Lãnh đạo Trường đại học Y dược Hải Phòng cho biết, Trường phải tìm cách duy trì tiền lương và triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Còn theo đại diện Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, trường phải cắt giảm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Theo đó, hàng năm, nhà trường trích khoảng 150 tỷ đồng từ học phí cho các hoạt động thí nghiệm, thực hành của sinh viên, nhưng năm qua, con số này chỉ khoảng 115 tỷ đồng.
Thí sinh cân nhắc lựa chọn
Trước việc nhiều trường đại học tăng học phí, theo các chuyên gia giáo dục, trước khi chọn ngành nghề theo học, thí sinh cần tìm hiểu xem mức học phí của chương trình đào tạo có phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình hay không, từ đó đưa ra quyết định về ngành học phù hợp nhất.
Theo quy định, trong đề án tuyển sinh của các trường sẽ nêu các mục cụ thể, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, quy định học phí tương ứng với từng ngành, chương trình đào tạo.
Trong bối cảnh các trường đại học đang dần hướng đến phải tự chủ, thì việc tăng học phí là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, khi tìm hiểu thông tin của các trường, thí sinh cần lưu ý nội dung quy định về mức học phí và cân nhắc thật kỹ càng trước khi quyết định chọn trường.
Theo TS. Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, để minh bạch và tạo thuận lợi hơn cho người học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những quy định rõ ràng hơn trong việc công khai học phí, chương trình đào tạo, như quy định rõ thời gian công bố, vị trí đăng thông tin công bố và số lần công bố.
Đồng quan điểm, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, rất nhiều phụ huynh, học sinh không tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường.
"Nhiều trường đại học, năm học đầu có thể công bố học phí rất hợp lý, nhưng năm học thứ 2, thứ 3, học phí tăng lên rất lớn, có thể ảnh hưởng đến vấn đề tài chính của các gia đình mà chúng ta không tính đến", ông Đồng Văn Ngọc lưu ý phụ huynh và thí sinh.
Ngoài ra, thông tin về học phí của các trường đại học cũng là một trong những yếu tố quan trọng khi thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Bởi thực tế, có không ít thí sinh khi bước chân vào giảng đường đại học đã phải dừng lại vì điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của trường đã chọn. Bên cạnh lộ trình tăng học phí, thí sinh cũng cần chú ý thêm cách tính học phí của các trường vì cách tính học phí hiện nay không đồng nhất, có trường tính theo năm, theo kỳ, theo quý, có trường tính theo tín chỉ.
Bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường đại học Ngoại thương) lưu ý, khi chọn trường, ngoài yếu tố năng lực bản thân, nhu cầu nhân lực của ngành, sở thích, đam mê, thí sinh cần xét tới năng lực tài chính của gia đình, bởi nếu không, sự hạn chế về tài chính có thể ngáng trở con đường học hành của mình.