Từ đầu năm 2024, giá căn hộ chung cư ở vị trí trung tâm hay vùng ven của thành phố Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến. |
Nhiều vấn đề đáng lo ngại khác của thị trường bất động sản đã được nêu tại báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch năm 2025, của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Đây là nội dung được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào sáng 9/10.
Ủy ban Kinh tế nhận định, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Trong khi đó, từ đầu năm 2024, giá căn hộ chung cư ở vị trí trung tâm hay vùng ven của thành phố Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến.
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do nguồn cung căn hộ tại thành phố Hà Nội đang thực sự khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các gia đình trẻ còn rất lớn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khi phân khúc chung cư bình dân khan hiếm, khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.
“Ngay cả đối với nhà ở xã hội, hiện nay đang diễn ra thực trạng người có nhu cầu không thể mua do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước và giá bán thực tế. Có ý kiến cho rằng, Nhà ở xã hội trên thực tế được mua bán, trao đổi, cho thuê chủ yếu bởi những người giàu, thậm chí cả người nước ngoài , không phải công nhân, người lao động, người có nhu cầu thực đối với loại hình nhà ở này” – bâo cáo nêu.
Uỷ ban thẩm tra dẫn thông tin từ truyền thông và dư luận xã hội phản ánh thực trạng nhiều người nước ngoài thuê, sống trong các dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang, Bắc Ninh - hai thủ phủ công nghiệp phía Bắc. Các khu có nhiều người nước ngoài sinh sống gồm Evergreen Bắc Giang, Vân Trung, Nội Hoàng (Bắc Giang), Kinh Bắc, V-city, Cát Tường, Thống Nhất (Bắc Ninh). Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh kiểm tra tình trạng người nước ngoài thuê, sống trong các khu nhà xã hội trên địa bàn.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội những năm qua để có giải pháp hiệu quả, nghiên cứu có biện pháp mạnh đối với vi phạm chính sách pháp luật về nhà ở xã hội.
Vẫn theo Ủy ban Kinh tế, cùng với quá trình tăng giá đột biến của căn hộ chung cư, giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận.
Đặc biệt, theo Ủy ban Kinh tế, thời gian vừa qua, loạt phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội gây xôn xao thị trường. Tại huyện Hoài Đức, hàng trăm nhà đầu tư đã tham gia phiên đấu giá kéo dài xuyên đêm, đẩy giá hơn chục lô đất trúng với mức trên 100 triệu đồng một m2. Lô cao nhất trúng với giá hơn 133 triệu đồng một m2 - gấp 18 lần mức khởi điểm.
Trong đó, một số cuộc thu hút hàng nghìn hồ sơ tham dự, gấp hơn chục lần số lô đất được bán ra và trúng đấu giá cũng gấp hàng chục lần giá khởi điểm. Tuy nhiên, diễn ra tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá đất tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ.
Báo cáo thẩm tra cũng phản ánh, có ý kiến cho rằng, ở nhiều vùng ngoại thành của các thành phố lớn, tỷ lệ lấp đầy sau “phân lô, bán nền” chỉ là 5%; nghĩa là sau nhiều năm thực hiện phân lô, bán nền 100 lô đất, chỉ có 5 lô được sử dụng (xây nhà), còn 95 lô còn lại bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Vấn đề tồn kho bất động sản dở dang cũng rất đáng được quan tâm khi hàng nghìn căn nhà bị bỏ hoang hàng chục năm qua với tổng giá trị rất lớn; nhiều khu đô mới tỷ lệ số căn hộ được sử dụng thấp. Trong khi đó, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ.
“Đây là những vấn đề có thể để lại hậu quả xấu đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần xác định đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt của xã hội, thay vì là hàng hóa mua đi bán lại kiếm lời; từ đó có các giải pháp hữu hiệu giải quyết triệt để thực trạng nêu trên”, theo báo cáo thẩm tra.
Tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn các luật mới về đất đai, bất động sản cũng được cơ quan của Quốc hội cập nhật. Theo đó, đối với Luật Đất đai, tính đến ngày 7/10/2024, đã có 9/9 Nghị định được ban hành, 1/1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 5/06 Thông tư của các Bộ, ngành được ban hành. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng chỉ rõ, từ ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực sớm (1/8/2024) đến nay vẫn còn 1 Thông tư chưa được ban hành, trong các văn bản đã được ban hành thì có 1 Nghị định ban hành chậm 15 ngày , 1 Nghị định ban hành chậm 1 tháng 10 ngày , 1 Nghị định ban hành chậm 2 tháng 3 ngày.
Ngoài ra, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất mặc dù không nằm trong nhóm nghị định hướng dẫn Luật Đất đai kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng liên quan đến một trong những nội dung hết sức quan trọng của Luật Đất đai (Điều 126 về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất) đến thời điểm 16/9/2024 mới được ban hành.
Đối với Luật Nhà ở, tính đến ngày 7/10/2024, đã có 3/3 Nghị định, 1/1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 1/3 Thông tư được ban hành. Các nội dung Luật Nhà ở giao chính quyền địa phương quy định chi tiết, theo báo cáo của Bộ Xây dựng đến thời điểm 10/9/2024, có 17/63 địa phương đã ban hành được một số nội dung được giao. Đối với Luật Kinh doanh bất động sản, đã có 2/2 Nghị định, 1/2 Thông tư được ban hành .