Doanh nghiệp
Nhìn lại cuộc cách mạng tại Coteccons
Minh Ngọc - 06/06/2023 08:18
Mỗi người đã và đang làm việc tại Coteccons vừa phải chống chọi với bão tố bên ngoài, tái lập niềm tin bên trong và “nâng cấp bản thân” mới có thể trụ vững để nắm bắt cơ hội mới, vận hội mới, ghi dấu ấn vào công trình thế kỷ tiếp theo của Việt Nam.

Những thay đổi đáng kinh ngạc của nhà thầu Việt

Kể từ khi ông Michael Doring, CEO Turner International (nhà thầu lớn nhất Mỹ) đến Việt Nam vào năm 2006, với ấn tượng đầu tiên về vấn đề an toàn lao động và tiến độ thi công. Đơn cử như hình ảnh người công nhân đi dép lê, không mũ, không kính bảo hộ… cùng công trình bừa bộn, cồng kềnh giàn giáo cho đến hình ảnh nhân công vận chuyển và làm việc thủ công từng khâu trong công trình khiến các tầng không đồng bộ, liền mạch dẫn đến tình trạng thừa nhân công, lãng phí mà chất lượng không đảm bảo.

Nhưng trong vòng hơn một thập kỷ sau đó, ông đã chứng kiến nhiều thay đổi đáng kinh ngạc. Trải qua hành trình dài nỗ lực, vươn mình, từ chỗ là thầu phụ, cung cấp nhân công, nay nhà thầu Việt không chỉ độc lập, liên danh để trúng gói thầu quy mô hàng ngàn tỷ đồng ở trong nước mà còn có cơ hội vươn tầm khu vực, đối đầu với “ông lớn” trên thế giới. Ông cho rằng, thị trường xây dựng Việt Nam đã trưởng thành, khi các nhà thầu trong nước không thua kém nhà thầu trên thế giới mà Turner từng làm việc.

Điều tương tự cũng diễn ra với cựu thành viên của Turner Construction tại Việt Nam - ông Chris Senekki hiện là Phó tổng giám đốc Coteccons - một tên tuổi trong lĩnh vực thầu xây dựng thuần Việt. Sau khi “bắt tay” với nhà thầu Việt thành công qua nhiều dự án, năm 2021, ông quyết định chọn Coteccons để đầu quân.

Ông Chris Senekki, Phó tổng giám đốc Coteccons - cựu Tổng giám đốc Turner, người có kinh nghiệm chinh chiến các dự án quốc tế.

Với kinh nghiệm xây dựng công trình biểu tượng trong khu vực, và thực chiến dự án sân bay đình đám trên thế giới, ông Chris Senekki kỳ vọng đem “kho báu” mình sở hữu trở thành nguồn lực, gây dựng vị thế mới mang tầm quốc tế cho nhà thầu Việt. Cụ thể, với dự án có yếu tố nước ngoài, ông đóng vai trò như chuyên gia, tư vấn chi tiết quy trình làm việc chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, với lợi thế hiểu rõ về văn hóa nhà đầu tư lớn trên thế giới khi vào Việt Nam, ông đã góp phần khẳng định Coteccons là nhà thầu Việt hàng đầu trong dự án tầm cỡ quốc tế, như dự án nhà máy sản xuất tỷ USD của Tập đoàn Lego ở Bình Dương.

Thị trường hiện đang có nhiều thay đổi khi khách hàng quốc tế và làn sóng FDI đến Việt Nam. Coteccons và Unicons cũng đang trong quá trình định hình lại văn hóa ngành xây dựng và cách thức đấu thầu. Đặc biệt, Coteccons luôn theo đuổi giá trị chính trực và minh bạch.

Với tuổi đời 19 năm, Coteccons có nhiều bệ phóng vững chắc để tiến xa hơn trong lĩnh vực nhà thầu hàng đầu trong nước và vươn tầm ra thị trường quốc tế. Điều ông Chris Senekki muốn “thổi hồn” vào Coteccons là tích hợp hệ thống mới trong quản lý dự án. Tức là chia để trị, mỗi công nhân, kỹ sư sẽ tự làm chủ chính mình, nâng cao sự chủ động, trách nhiệm trong công việc.

Nhà thầu Việt đủ sức để đảm đương dự án quốc gia

Sau khi cập nhật tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận công nghệ, giải pháp tân tiến, Coteccons đã cho thấy sự tiến bộ lớn về cách thức, mô hình vận hành đáp ứng mọi nhu cầu trong và ngoài nước. Điều này được thể hiện qua các dự án biểu tượng như Landmark 81, Diamond Crown Hải Phòng hay dự án Mega và dự án tỷ USD của Lego ở Việt Nam.

Thực tế, kỹ sư xây dựng Việt Nam chưa được trang bị đầy đủ điều kiện hay được chuẩn bị nền tảng để hoàn thành dự án biểu tượng. Do đó, kỹ sư xây dựng khát khao được trải qua công việc tại dự án khó, nhiều thách thức và có quy mô lớn. Ước muốn giản đơn của kỹ sư xây dựng đi làm nghề là để lại giá trị mà thế hệ sau cảm thấy tự hào.

Ông Trần Ngọc Hải, Giám đốc điều hành Khối Thương mại Coteccons và ông Nguyễn Phúc Thành, Giám đốc dự án của Coteccons được coi là thế hệ kỹ sư đầy tự hào như thế.

Chân dung ông Hải hiện lên như một người quản lý chỉn chu, thận trọng tỉ mỉ từng chi tiết, chắc chắn. Ông Thành thì mang tư duy tốc độ đánh nhanh, thắng nhanh nhưng đánh ở đâu chắc ở đó. Họ đều có tư duy tích cực để phối hợp làm việc với các bên liên quan nhằm đạt được mục tiêu của dự án, và luôn đặt khách hàng làm trọng tâm.

Đây cũng là hai trường hợp điển hình chứng minh khả năng các kỹ sư người Việt có thể làm nên dự án quy mô thực thi phức tạp, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tạo nên biểu tượng trên thị trường xây dựng Việt Nam. Đơn cử như dự án Landmark 81, để hoàn thành công trình các kỹ sư đã trải qua tháng ngày chiến đấu cân não, làm việc liên tục 24/7, thậm chí vào thời điểm thi công trên đỉnh tòa nhà, Coteccons phải sẵn sàng cả bình oxy để thở. Năm 2018, The Landmark 81 hoàn thành với độ cao 461,2 m lọt top 15 tòa nhà cao nhất thế giới và đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, trở thành biểu tượng tự hào của Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Hải, Giám đốc điều hành Coteccons, chỉ huy trưởng dự án Landmark 81.

Theo ông Hải, ban đầu nhiều người cho rằng, dự án này phải là ghi danh của nhà thầu quốc tế. Dĩ nhiên, việc người Việt Nam đích thân vận hành xây dựng dự án sẽ có áp lực khổng lồ. Bởi dự án quy mô lớn với tiến độ tính từng ngày, từng giờ và công trình yêu cầu đảm bảo chất lượng quốc tế. Ngoài ra, dự án gói gọn trong diện tích nhỏ với khu dân cư xung quanh đông, và thi công với phương đứng, nên việc sắp xếp logistics, trình tự thi công, bộ máy, cũng như lên kế hoạch trong suốt quá trình của dự án là rất quan trọng.

Nhớ lại những ngày đầu lên kế hoạch thực hiện The Landmark 81, ông Hải cho rằng, niềm tin, kế hoạch, sự chuẩn bị kĩ càng là yếu tố giúp nhà thầu trong nước như Coteccons chiến thắng dự án khó như vậy. Sau dự án này, có những nhà thầu của Hàn Quốc, Đức lại quay qua học hỏi Coteccons.

Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam được xây dựng bởi nhà thầu nội.

Dĩ nhiên để chiến thắng điều “khó nhằn”, các kỹ sư phải được “trợ lực” bởi công nghệ. Trong ngành xây dựng, liên tục có công nghệ tân tiến được áp dụng để đáp ứng nhu cầu biến động của thị trường, nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi, các nhà thầu, thiết kế thi công cũng phải đầu tư mạnh mẽ.

“Tại Coteccons, chúng tôi luôn học hỏi và tìm kiếm những công nghệ, giải pháp tân tiến trên thế giới để đáp ứng mọi yêu cầu của các loại hình công trình, đặc biệt là dự án công, dài hạn. Đơn cử như mô hình BIM (Building Information Modelling)” ông Phúc Thành chia sẻ.

Ông Nguyễn Phúc Thành, Giám đốc Dự án của Coteccons, chỉ huy phó dự án Landmark 81.

Mô hình BIM giúp nhà thầu hạn chế tối đa sai sót, sự chậm trễ trong thi công một dự án. Công nghệ in 3D cũng được Coteccons áp dụng để việc hiển thị hóa trở nên rõ ràng, từ đó tạo sự khác biệt rất lớn, đặc biệt là với các tòa siêu cao tầng. Ở những toà nhà này, các kỹ sư đều sử dụng phần mềm BIM để tạo mô hình công trình 3D trên máy tính. Mô hình này sẽ giống công trình thực tế ngoài công trường và được liên kết với dữ liệu thông tin của dự án, thể hiện tất cả mối liên hệ về không gian, kích thước, số lượng, cấu tạo vật liệu của công trình. Khi dự án có sự thay đổi được tích hợp vào mô hình BIM, tất cả góc nhìn đồ họa, thông tin về kiến trúc… sẽ tự động phản hồi và cập nhật các thay đổi.

Nhờ triển khai BIM ngay từ đầu đã giúp hoạt động thi công xây dựng toà nhà The Landmark 81 lường trước được các xung đột, kiểm soát được chất lượng, tính thẩm mỹ, hạn chế sửa chữa và đảm bảo tiến độ dự án.

Coteccons đang làm các dự án được chuẩn bị chu đáo từ kế hoạch làm việc phối hợp, con người, tài chính, để vận hành dự án đúng tiến độ. Việc tiếp theo là, mức độ dám xông pha. Quan trọng trong mỗi người phải dám xông pha, dám thi công dự án thách thức. Sau khi thi công, niềm tự hào và sự tự tin từ mỗi dự án càng tăng lên.

Theo ông Nguyễn Phúc Thành, điều khác biệt của Coteccons so với nhà thầu khác là luôn có chiến lược dài hạn và phát triển bền vững tạo mô hình không phụ thuộc vào một người. Trong khi nhà thầu khác thường phụ thuộc vào một người, lợi ích cũng dồn vào người đó, khi người đó trúng gió thì hệ thống sẽ bị cảm lạnh.

Hiện Coteccons phát triển theo hướng đa dạng về nhân sự, đặt trọng tâm phát triển khối, tạo bộ khung bền vững để tạo ra sản phẩm không phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu, mà phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng.

“Chúng tôi sở hữu năng lực thi công của đội ngũ nhân sự, tài chính, nắm bắt công nghệ hiện đại nhất trong khối các nhà thầu Việt Nam hiện nay”, ông Thành chia sẻ.

Mặc dù vậy, Coteccons phải luôn khát khao làm mới mình để vươn tới tầm của một nhà thầu sở hữu tiêu chuẩn quốc tế, có thể chiến đấu trong bất cứ môi trường đầu tư đa quốc gia nào.

Trong thập kỷ qua, thị trường xây dựng Việt Nam là chiến trường của các công ty xây dựng trên thế giới. Công ty xây dựng tiên tiến đến từ châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào nhiều dự án.

Theo một chuyên gia xây dựng Hàn Quốc, trong quá trình đó, các công ty xây dựng Việt Nam đã học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng quản lý của các công ty ENC hàng đầu. Thông qua sự hợp tác dưới nhiều hình thức như thành lập tập đoàn với tư cách là đối tác, nhà thầu phụ. Gần đây, đường cao tốc Hà Nội - TP.HCM cũng có sự phát triển vượt bậc, tòa nhà The Landmark 81 ở TP.HCM được dẫn đầu là các công ty xây dựng Việt Nam.

“Giống như trước đây, với dự án Sân bay Incheon Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc ban đầu cũng mong muốn nhà thầu nước ngoài thi công dự án đó, sau khoảng thời gian làm việc với các nhà thầu, họ quyết định làm việc với nhà thầu nội. Đối với dự án sân bay đó, các nhà thầu nội của Hàn Quốc nhảy vọt về năng lực, sự tự tin, và được ghi nhận để bước ra thị trường quốc tế.

Tiền đề cho nhà thầu nội ghi danh ở đấu trường quốc tế

Theo ông Hải, sau dự án The Landmark 81, ngành xây dựng của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Trước đó, những dự án có tầm cao khoảng 33 tầng đã là sân chơi quá sức với nhà thầu trong nước. Và Coteccons đã lập kỷ lục, thậm chí còn làm tốt hơn thế.

“Sau khi thi công xong dự án The Landmark 81, Coteccons cũng có một số chủ đầu tư nước ngoài mong muốn hợp tác để thi công dự án ở nước ngoài. Đó là một bước ngoặt của nhà thầu nội để đi làm dự án quốc tế tiếp theo”, ông Hải chia sẻ.

Nhiều cơ hội cho nhà thầu Việt thể hiện năng lực thông qua hỗ trợ từ Chính phủ.

Gần đây Chính phủ đang có nhiều động thái để trở thành “bệ đỡ” vững chắc cho nhà thầu nội, tạo điều kiện để nhà thầu nội được tham gia các dự án đầu tư công mang tầm biểu tượng hạ tầng của Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, giờ là thời điểm Chính phủ cần hỗ trợ nhà thầu nội trong thời gian khó khăn của thị trường, cũng như là bước ngoặt để thi công các dự án quốc tế. Chính phủ phải tin tưởng năng lực và thế mạnh củanhà thầu nội, để cảm thấy khi giao dự án cho nhà thầu nội thì Chính phủ cũng yên tâm. Bên cạnh mặt kỹ thuật, về mặt tài chính, các nhà thầu nội cũng liên kết được với các ngân hàng để có sẵn nguồn vốn “khủng” sẵn sàng đáp ứng thi công những dự án lớn của vốn ngân sách, cũng như các vốn FDI.

Hiện Coteccons sẽ phát triển đa dạng hóa về mô hình để phù hợp với quy mô từng dự án. Coteccons đang ấp ủ phát triển mô hình toàn cầu như Coteccons Global để phân chia sự phù hợp với dự án ở từng thị trường, từng nhà đầu tư, từng đặc thù.

Đã đến lúc Coteccons đặt cột mốc mới sau siêu dự án The Landmark 81 để bước chân vào địa hạt những dự án hạ tầng đình đám tiếp theo của Việt Nam.

“Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh gia nhập thị trường Việt Nam. Một nhà thầu Việt Nam muốn lớn mạnh thì phải chọn những con đường làm những dự án quy mô lớn, đòi hỏi ngày càng khó về năng lực kỹ thuật và công nghệ thi công, cũng như nguồn vốn mạnh”, ông Chris Senekki cho biết.

Sau một thời gian dài hàng thập kỷ vừa qua, có thể nói thị trường xây dựng Việt Nam đã trưởng thành và các nhà thầu nội hiện nay không thua kémnhà thầu trên thế giới. Hiện các nhà thầu nội đặt kỳ vọng ở một sân chơi tầm cỡ cao hơn ở khu vực và thế giới, để có cơ hội so tài với nhiều đối thủ khác.

Tin liên quan
Tin khác