Thời sự
Nhìn nước xa để sợ lửa gần
Quang Hà - 13/06/2013 11:06
Những vụ cháy tại Hà Nội mấy ngày gần đây, người can dự đều đã vi phạm các nguyên tắc tối thiểu về phòng cháy chữa cháy.
TIN LIÊN QUAN
Hoả hoạn ở đô thị thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản

Hoả hoạn đang là nỗi ám ảnh với người dân Thủ đô những ngày gần đây khi lướt qua các phương tiện thông tin truyền thông, chỗ nào cũng thấy cháy. Cháy từ tập thể nhà dân đến cơ sở kinh doanh (quán karaoke, nhà để xe), cháy từ kho tàng, sân bay cháy đến những nơi tưởng chừng được phòng cháy cẩn mật nhất là... cây xăng!

Chuyện về giặc lửa đã được ông cha ta tổng kết từ ngàn đời nay rằng “nước xa không cứu được lửa gần” vẫn là câu chuyện thời sự. Câu hỏi đặt ra là với một xã hội văn minh, hiện đại ngày hôm nay – khi có sự giáo dục về công tác phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, có lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp, chúng ta có tránh được giặc lửa không (?), câu trả lời là hoàn toàn không.

Vậy có cách nào để “sống chung với lửa” hay không (?), câu trả lời là có. Nguyên lời của một cán bộ Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an Thành phố Hà Nội đến tập huấn cho người viết bài này về công tác phòng cháy chữa cháy tại đơn vị rằng, không có lửa (nguồn gây cháy gồm nhiệt, điện, hoá chất) là không có cháy!

Thêm nữa, để cháy được, thì lửa phải tiếp xúc với chất cháy (là bàn ghế, vải vóc, than củi, xăng dầu…) là những thứ có thể cháy được. Tất nhiên, cuộc sống luôn tồn tại cả 2 thứ này, và con người cần nó để tồn tại. Vấn đề đặt ra là đừng để xảy ra cháy ngoài ý muốn!

Trở lại những vụ cháy tại Hà Nội mấy ngày gần đây, có thể dễ dàng nhận ra, là trong hầu hết các vụ cháy, người can dự đều đã vi phạm các nguyên tắc tối thiểu về phòng cháy chữa cháy.

Đó là việc để bếp lò đang cháy ở gần xe tiếp xăng, một vài người lái xe ôm (không có chức năng nhiệm vụ) ở gần cây xăng đang tiếp nhiên liệu, đó là xung quanh ngôi nhà để xe của tập thể Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều cuộn dây điện chằng chịt…

Trong mối lo toan bộn bề của cuộc sống, chúng ta đôi khi lãng quên những điều tưởng chừng nhỏ nhặt “củi lửa”. Chỉ đến khi ngọn lửa nhỏ bùng lên thành đám cháy lớn, thiêu rụi bao thành quả lao động là mồ hơi, công sức của mỗi người, thậm chí là tính mạng của nhiều người chúng ta mới xót xa bởi sự bất cẩn.

Dù văn minh, hiện đại đến đâu, bài học “sống chung với lửa” vẫn phải được nhắc nhở thường xuyên, nằm lòng, là châm sống của mỗi người. Rằng nước xa không cứu được lửa gần nên tốt nhất vẫn là cẩn tắc trong việc “giữ lửa”. Ấy là về phía người dân.

Nhưng còn về phía cơ quan chức năng, những người đi dẹp giặc lửa thì sao(?).

Hoả hoạn không báo trước và không loại trừ ai

Hình ảnh hàng chục người lính cứu hoả Hà Nội bị lửa cháy cây xăng táp vào người gây bỏng vì họ không có nổi một bộ quần áo chữa cháy chuyên dụng là đau xót. Tổng kho của Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy của Hà Nội chỉ có 50 bộ quần áo chuyên dụng và đã được mang ra dùng hết… là điều đáng bàn.

Tại sao cả một Thủ đô với hơn 7 triệu dân mà chỉ có vài mươi bộ quần áo chuyên dụng cho lính cứu hoả, vỏn vẹn 2 xe thang có khả năng vươn đến tầng 39 của một toà nhà cao tầng; trong khi 1 đội trực thăng chữa cháy cho lính cứu hoả vẫn là giấc mơ(?)...

Đành rằng, mỗi bộ quần áo chuyên dụng phải nhập khẩu có thể lên đến 300 triệu đồng/bộ; mỗi chiếc xe thang chuyên dụng có thể lên đến 30 tỷ đồng... cũng không đáng gì so với sinh mạng của những người lính cứu hoả, không đáng gì so với những thứ mà họ có thể cứu được nếu được trang bị phương tiện tốt hơn, ấy là sinh mạng những con người. Chắc chắn, người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung không hẹp hòi gì với những đồng tiền thuế, thậm chí là tiền túi của mỗi gia đình để mua những thứ liên quan đến sinh mạng mỗi cá nhân và tương lai của cả cộng đồng.

Tin liên quan
Tin khác