Dư luận vẫn đang xôn xao về vụ cháy tòa nhà chung cư CT4A, thuộc Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông, Hà Nội) vừa xảy ra tối 11/10. Trong vụ hỏa hoạn này, rủi ro tính mạng và tài sản của người dân là rất lớn, trong khi việc quy trách nhiệm cho các bên là điều không đơn giản. 5 năm trước, vụ cháy tại tòa chung cư JSC 34, đường Lê Văn Lương làm 2 người chết, nhưng đến nay, trách nhiệm của các bên liên quan đến vụ việc vẫn không được nhắc tới.
Theo Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh, Giám đốc Công ty Luật Việt Kim (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), vụ cháy tại chung cư CT4A, thuộc Khu đô thị Xa La đang trong quá trình điều tra, chưa rõ nguyên nhân gây cháy. Tuy nhiên, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước hết trong vụ việc này chính là Ban Quản trị tòa nhà (theo Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư).
Liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư tòa nhà, Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư tại Quyết định số 08/2008/QĐ – BXD của Bộ Xây dựng quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn và ký hợp đồng với doanh nghiệp có chức năng và chuyên môn để quản lý, vận hành nhà chung cư (kể cả doanh nghiệp trực thuộc chủ đầu tư) kể từ khi đưa nhà chung cư vào sử dụng cho đến khi Ban Quản trị được thành lập. Việc quản lý, vận hành tòa nhà sau đó tùy thuộc vào Ban Quản trị.
Theo Luật sư Đĩnh, Luật Phòng cháy, chữa cháy quy định, nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên phải có thiết kế và thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tòa CT4A thuộc Khu đô thị Xa La là loại nhà đã được bàn giao cho khách hàng, nên rất có thể chủ đầu tư được loại bỏ trách nhiệm bồi thường từ hỏa hoạn, nhất là khi hầu hết các hợp đồng mua bán chung cư đều không đề cập nhiều trách nhiệm của chủ đầu tư khi xảy ra cháy nổ.
Trước tòa chung cư CT4A, tại Khu đô thị Xa La cũng đã xảy ra cháy tại tòa chung cư CT5 vào ngày 20/9/2015. Theo kết quả kiểm tra của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 7 Hà Nội, tòa nhà này thuộc quyền quản lý của Chi nhánh Dịch vụ nhà ở và quản lý Khu đô thị Mường Thanh do Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. Tòa nhà này đã được đưa vào hoạt động từ năm 2012.
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 7 Hà Nội cho biết, đơn vị này đã kiến nghị nhiều lần bằng văn bản tới chủ đầu tư, Ban Quản trị tòa về việc thẩm duyệt, nghiệm thu an toàn phòng cháy, chữa cháy; thậm chí đã 3 lần xử lý vi phạm hành chính liên quan đến việc thực hiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa chấp hành đúng quy định.
Một trường hợp khác, tại tổ hợp chung cư cao tầng tòa nhà HH4, Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes làm chủ đầu tư, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 8 Hà Nội cũng vừa có biên bản kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, kiến nghị cơ sở triển khai thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy và đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “không tổ chức thực hiện các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản”.
Ngoài các dự án trên, theo Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy TP. Hà Nội, tính đến quý II/2015, toàn Thành phố có 891 công trình nhà cao tầng. Trong số 779 công trình mới đưa vào sử dụng, có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, 121 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.