| ||
Viettel là một trong những doanh nghiệp lớn của Việt Nam đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài |
Về việc mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, Thông tư quy định: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải mở 1 tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng (TCTD) được phép và thực hiện đăng ký với NHNN hoặc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố.
Mọi giao dịch chuyển ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua tài khoản này.
Nhà đầu tư có nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp riêng biệt cho từng dự án.
Trường hợp dự án có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp riêng biệt tại cùng một TCTD được phép để chuyển ngoại tệ trong phạm vi giá trị vốn theo Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Về thẩm quyền xử lý việc đăng ký, đăng ký thay đổi tài khoản, tiến độ chuyển vốn: NHNN (Vụ Quản lý ngoại hối) thực hiện việc xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi tài khoản, tiến độ chuyển vốn cho nhà đầu tư là TCTD.
NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi nhà đầu tư là tổ chức có trụ sở chính hoặc nơi nhà đầu tư là cá nhân đăng ký thường trú thực hiện việc xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi tài khoản, tiến độ chuyển vốn cho nhà đầu tư khác không phải là TCTD.
Nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển lợi nhuận; chuyển vốn đầu tư về nước sau khi thanh lý, giải thể, giảm quy mô vốn, chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư.
Trường hợp muốn sử dụng lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư trực tiếp vào dự án đang đầu tư hoặc đầu tư vào dự án khác, nhà đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh hoặc xin cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho dự án đó và thực hiện báo cáo NHNN theo quy định tại Thông tư này.
Theo thông tin Bộ Công thương công bố tại Hội nghị Tham tán thương mại 2013 ngày 16/12, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đã giúp cho việc hình thành một đội ngũ doanh nhân Việt Nam có năng lực đàm phán trong đấu thầu quốc tế (ngành dầu khí, xây dựng), trong liên doanh với nước ngoài để tổ chức thực hiện các dự án hợp tác đầu tư, và đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội cho địa bàn nước sở tại, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương làm việc cho dự án.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa công bố số liệu đầu tư ra nước ngoài trong năm 2013. Tuy nhiên, tính đến ngày 20/3/2013 đã có 742 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 15,5 tỷ USD.
Các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam tập trung phần lớn vào ngành công nghiệp khai khoáng với 99 dự án, tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ USD, (chiếm 13,3% về số dự án và 46% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là ngành nông, lâm, thủy sản chế biến với 80 dự án, tổng vốn đầu tư 1,9 tỷ USD (chiếm 10,8% số dự án và 12,6% tổng vốn đầu tư). Lĩnh vực công nghiệp điện đứng thứ ba với 1,8 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 12,1%.
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng không chỉ tập trung vào đầu tư ở các nước láng giềng hay đối tác quen thuộc như Lào, Campuchia hay Nga mà phát triển ra những khu vực xa hơn như các nước khu vực châu Phi, châu Mỹ, thậm chí cả những nước kinh tế phát triển như Australia, Mỹ, Singapore, Nhật Bản… với tổng số là 59 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong số đó, Lào đứng vị trí thứ nhất với 227 dự án với tổng vốn đầu tư trên 4,2 tỷ USD (chiếm 30,6% số dự án và 27,1% vốn đầu tư), Campuchia đứng vị trí thứ hai với 129 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,7 tỷ USD (chiếm 17,4% số dự án và 17,6% vốn đầu tư). Tiếp theo là Liên bang Nga (chiếm 15,2% vốn đầu tư), Venezuela (11,8% vốn đầu tư) và các quốc gia khác.
Hà Tâm