Khởi sắc nhờ tự doanh
Khi thị trường chứng khoán hồi phục và bật tăng, nhóm công ty chứng khoán có báo cáo kết quả kinh doanh tương đối tích cực trong nửa đầu năm 2023. Nổi bật là Công ty cổ phần Chứng khoán VIX (mã VIX) báo cáo lợi nhuận quý II tăng 868,4%, lên 565,56 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 76,4%, lên 576 tỷ đồng và thực hiện được 62,6% kế hoạch năm.
Tại Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (mã PSI), quý II, lợi nhuận tăng 433,9%, lên 9,88 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm ghi nhận lãi 20,24 tỷ đồng, tăng 61,5% so với cùng kỳ và hoàn thành 101,2% so với kế hoạch lợi nhuận năm.
Tương tự, trong quý II, lợi nhuận của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (mã FTS) tăng 87,4%, lên 140,1 tỷ đồng; của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (mã VDS) tăng 145%, lên 105,34 tỷ đồng; của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (mã BVS) tăng 403,9%, lên 79,31 tỷ đồng…
Thực tế, kết quả kinh doanh tích cực còn phụ thuộc vào cơ cấu tài sản mà các công ty nắm giữ. Đơn cử, tại Chứng khoán VIX, về cơ cấu tài sản, ở thời điểm 30/6/2023, đơn vị này sở hữu 4.703,1 tỷ đồng các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), chiếm gần 55% tổng tài sản; các khoản đầu tư giữ đến ngày đáo hạn với giá trị 2.000 tỷ đồng, chiếm 23,4% tổng tài sản và các tài sản khác. Trong đó, Công ty nắm giữ cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết với tổng giá trị 3.555,67 tỷ đồng, chiếm 75,6% tổng danh mục FVTPL; trái phiếu chưa niêm yết ghi nhận 1.147,4 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng danh mục FVTPL.
Tại Chứng khoán Rồng Việt, tính tới cuối quý II/2023, đơn vị này sở hữu 1.188,5 tỷ đồng tài sản FVTPL, chiếm 26,6% tổng tài sản. Trong đó, Công ty nắm giữ cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu chưa niêm yết với tổng giá trị 599,95 tỷ đồng, chiếm 50,5% tổng tài sản FVTPL; nắm giữ trái phiếu niêm yết và chưa niêm yết với tổng giá trị 588,54 tỷ đồng, chiếm 49,5% tổng tài sản FVTPL.
Tại Chứng khoán FPT, tính tới ngày 30/6/2023, đơn vị này nắm giữ 1.263,99 tỷ đồng tài sản FVTPL, chiếm 20,4% tổng tài sản. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn cố định, chứng chỉ tiền gửi với giá trị 846,3 tỷ đồng, chiếm 67% tổng tài sản FVTPL; cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết với giá trị 347,69 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng tài sản FVTPL; trái phiếu chưa niêm yết với tổng giá trị 70 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng tài sản FVTPL.
Ngược lại, tại Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, thời điểm cuối quý II/2023, đơn vị này sở hữu 20.696,5 tỷ đồng tài sản FVTPL, chiếm 49,2% tổng tài sản. Trong đó, cơ cấu tài sản FVTPL chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp sở hữu 9.387,7 tỷ đồng (đầu năm 7.958,8 tỷ đồng), chiếm 45,4% tổng tài sản FVTPL; chứng chỉ tiền gửi ghi nhận 8.617,4 tỷ đồng, chiếm 41,6% tổng tài sản FVTPL; cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và chưa niêm yết với giá trị 1.940,2 tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng tài sản FVTPL; trái phiếu chính phủ và tổ chức tín dụng ghi nhận 751,3 tỷ đồng, chiếm 3,6% tổng tài sản FVTPL.
Thách thức khi định giá thị trường không còn rẻ
Trái ngược với bức tranh tích cực hơn 8 tháng đầu năm 2023, thị trường gần đây liên tục xuất hiện dấu hiệu đảo chiều. Tại các phiên giao dịch ngày 18/8, 11/9 và 22/9, thị trường liên tục bị bán mạnh, dẫn tới chỉ số đã nằm dưới đường trung bình MA 50, đồng thời các cổ phiếu và chỉ số xuất hiện mô hình hai đỉnh trên nền tảng RSI giao dịch vùng quá mua kéo dài.
Thêm nữa, xét về định giá, theo dữ liệu của VNDirect, ngày 7/9, định giá thị trường theo P/E là 14,9 và tính tới ngày 22/9 là 14,22 lần. Trong khi đó, trước khi có nhịp tăng trong hơn 8 tháng vừa qua, tại thời điểm cuối tháng 11/2022, định giá thị trường chỉ khoảng 9,52 lần. Ngoài ra, nếu lấy dữ liệu lịch sử trong 5 năm trở lại đây, định giá thị trường giao dịch vùng P/E từ 11 đến 17 lần.
Đối với thị trường chứng khoán khu vực, theo dữ liệu của Bloomberg, tính tới đầu tháng 9/2023, định giá P/E của chỉ số MSCI Asean (khu vực Đông Nam Á) giao dịch ở mức 13 lần, thấp hơn mức đang giao dịch tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Và đối với riêng nhóm chứng khoán, định giá cuối tháng 9/2023 cũng không còn rẻ. Trong đó, P/E của cổ phiếu VIX là 21,16 lần, BVS là 10,4 lần, VDS là 16,05 lần, FTS là 34,29 lần, PSI là 18,05 lần, VND là 48,3 lần… Được biết, trung bình P/E của nhóm chứng khoán từ năm 2017 đến 2022 dao động từ 7,75 lần đến 20,7 lần.
Có thể thấy, sau nhịp tăng hơn 8 tháng qua, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam không còn rẻ, cũng không rẻ so với khu vực trong bối cảnh khối ngoại vẫn có động thái rút ròng trên thị trường Việt Nam và khu vực, khi lãi suất của các nước phát triển có thể duy trì ở mức cao trong một thời gian dài hơn.
Việc kinh tế hồi phục chậm hơn dự kiến, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn có thể là lý do thị trường mất dần động lực từ cuối tháng 8/2023. Nếu giá cổ phiếu tiếp tục xu hướng quay đầu và điều chỉnh, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty chứng khoán có danh mục tự doanh nắm giữ nhiều cổ phiếu - nhóm đã hưởng lợi lớn trong nửa đầu năm 2023.