Xuất khẩu gạo năm 2022 được dự báo bằng hoặc cao hơn năm 2021 Ảnh: Đ.T |
Xuất bán gần 1 triệu tấn gạo trong 2 tháng
Hai tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu gạo sôi động. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất bán 974.556 tấn gạo trong 2 tháng, thu về gần 469,26 triệu USD (tăng lần lượt 48,6% và 30,6% so với cùng kỳ năm 2021).
Trong đó, Philippines nhập nhiều nhất (539.231 tấn, trị giá 250,35 triệu USD), tiếp theo là Trung Quốc (81.884 tấn, 40,82 triệu USD) và Bờ Biển Ngà (95.946 tấn, 38,02 triệu USD).
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho hay, hoạt động xuất khẩu gạo của Công ty Trung An nói riêng cũng như ngành gạo nói chung trong năm 2021 và đầu năm 2022 đều rất tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý biểu hiện trên thị trường gần đây là giá xuất khẩu gạo vào các thị trường chủ lực đi xuống.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2022 được dự báo đạt khoảng 6,4 triệu tấn; Thái Lan đạt 6,5 triệu tấn, tương đương năm 2021.
Có thể thấy rõ xu hướng này qua số liệu của Tổng cục Hải quan. Cụ thể, giá xuất khẩu gạo trung bình 2 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 481,5 USD/tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021 và chủ yếu giảm ở các thị trường chủ lực. Giá xuất khẩu gạo sang Philippines giảm 13,4%; xuất sang Trung Quốc giảm 5% và xuất sang Bờ Biển Ngà giảm mạnh nhất (25,5%).
Ông Phạm Thái Bình phân tích, giá gạo giảm do nhiều yếu tố, nhưng đáng quan ngại nhất là cước phí vận tải tăng. Cước phí vận tải tăng mạnh trong cả năm 2021 và kéo dài sang đầu năm 2022 khiến các nhà nhập khẩu phải cân nhắc, nên các nhà xuất khẩu cũng phải linh hoạt điều chỉnh giá.
Sau hơn 2 năm đại dịch, giờ thêm “cú bồi” từ xung đột Nga - Ukraine, đẩy giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục “nhảy múa”, giá xăng dầu trong nước cũng liên tục điều chỉnh tăng, nên cước vận tải biển còn tiếp tục tăng và doanh nghiệp xuất khẩu phải gánh chịu.
“Trung An không xuất khẩu gạo đi Nga, nhưng áp lực tăng chi phí sản xuất do những căng thẳng từ chiến sự Nga - Ukraine là khá rõ ràng với doanh nghiệp. Hơn nữa, Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng, nên với mọi bất ổn hay biến động về tình hình địa chính trị tác động đến toàn cầu, Việt Nam không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng”, ông Phạm Thái Bình nói.
Nhu cầu gạo tăng cao do xung đột Nga - Ukraine
Dẫu vậy, sự chững lại của giá gạo xuất khẩu tại thời điểm này được các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành lúa gạo đánh giá là không đáng lo ngại.
Bởi thực tế, lương thực, thực phẩm nói chung và gạo nói riêng là nhóm hàng hóa thiết yếu, nên kể cả trong đại dịch hay hiện giờ là tình hình chiến sự căng thẳng giữa Nga - Ukraine, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới vẫn luôn cao, thậm chí phải gia tăng tích trữ.
Theo quan điểm của ông Phạm Thái Bình, tuy giá xuất khẩu gạo vào các thị trường chủ lực giảm, nhất là tại Philippines - thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, nhưng do quốc gia này đang bước vào giai đoạn bầu cử Tổng thống, nên có thể khiến lúa gạo Việt Nam chững lại nhịp xuất khẩu một chút, song sẽ không kéo dài. Thậm chí, Tổng giám đốc Công ty Trung An vẫn khẳng định, năm 2022, xuất khẩu gạo sang Philippines sẽ bằng hoặc cao hơn năm 2021.
Đối với thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp tiếp tục phải chuẩn hóa sản phẩm xuất khẩu, vì nước này đã siết chặt chất lượng, làm chặt khâu kiểm dịch, đóng gói.
Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, ngành lúa gạo vẫn xuất khẩu 6,24 triệu tấn gạo, trị giá 3,29 tỷ USD, có được mức tăng trưởng cao tại các thị trường chủ lực.
Giờ đây, Việt Nam không chỉ là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới về sản lượng, mà ngày càng uy tín, chuyên nghiệp, chất lượng gạo ngày càng cao với nhiều giống lúa tốt. Thêm vào đó, Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN… và trở thành lựa chọn ưu tiên của các nhà nhập khẩu.