Doanh nghiệp
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành bán lẻ tăng cao
Thu Trang - 23/04/2019 11:40
Navigos Group vừa công bố dữ liệu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam trong Quý I/2019. Quý này ghi nhận những yêu cầu mới trong tuyển dụng và một số tác động đến tuyển dụng do làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc.
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Xu hướng nhượng quyền ngành bán lẻ đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Trong quý I/2019, làn sóng các doanh nghiệp đa quốc gia lần đầu tiên mở văn phòng tại Việt Nam nở rộ, đáng kể đến là trong lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát, bia rượu và mỹ phẩm. Mô hình nắm quyền quản lý kinh doanh trực tiếp này của các công ty nước ngoài nhằm đẩy mạnh việc phát triển kinh doanh, quảng bá thương hiệu, làm các chương trình khuyến mãi... dẫn đến việc tăng mạnh trong nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến khối Kinh doanh và Marketing từ cấp nhân viên đến vị trí quản lý cấp cao.

Đặc biệt, các kỹ năng liên quan đến tiếp thị số (digital marketing) và thương mại điện tử (e-commerce) cũng được nhà tuyển dụng ưu tiên trước xu thế thiết yếu của 4.0. Các vị trí thuộc khối văn phòng hỗ trợ cũng có nhu cầu tuyển dụng tăng, bao gồm các vị trí như như: nhân sự, hành chính, tài chính, kế toán.

Cũng trong quý I, Navigos Search ghi nhận xuất hiện xu hướng nhượng quyền thương hiệu của các công ty quốc tế và nội địa, đặc biệt là lĩnh vực mỹ phẩm, thời trang, thức ăn và đồ uống (F&B). Xu hướng này kéo theo nhu cầu tuyển dụng các vị trí từ trung cấp đến cao cấp tăng cao.

Đứng trước bối cảnh nhộn nhịp của xu hướng nhượng quyền này, doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam luôn mong muốn phát triển thương hiệu riêng và sẵn sàng đầu tư vào con người cũng như hệ thống để có thể phát triển và cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp SME (DN vừa và nhỏ) không ngừng nghỉ tìm kiếm, phát triển và mở rộng số lượng cửa hàng, kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho các chuỗi cửa hàng cũng tăng tỷ lệ thuận.

Ngành nông nghiệp thay đổi nhiều về yêu cầu tuyển dụng

Năm nay, nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã tham gia xây dựng mô hình nông nghiệp 3F (feed: thức ăn chăn nuôi – farm: trang trại – food: thực phẩm). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư số vốn rất lớn vào dây chuyền sản xuất và chế biến hiện đại, áp dụng những công nghệ tiêu chuẩn châu Âu. Xu hướng phát triển mô hình nông nghiệp mới này dẫn đến những yêu cầu trong tuyển dụng của doanh nghiệp cũng có sự thay đổi nhiều hơn. Hai mảng có nhu cầu tuyển dụng nhiều là nuôi trồng và thú y. Hầu như doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều các vị trí từ cấp trung và yêu cầu các ứng viên phải hiểu biết chuyên sâu về kĩ thuật. 

Trong khi đó, làn sóng dịch chuyển các dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc tiếp tục đổ dồn vào thị trường Việt Nam, đăc biệt ngành công nghiệp phụ trợ, ngành gỗ nội thất. Navigos Search tiếp tục ghi nhận nhiều dự án các nhà máy mới vào Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng qui mô nhân sự đến gấp đôi, hoặc gấp ba lần trong năm, đặc biệt là lĩnh vực thiết bị điện tử, sản xuất linh kiện cao cấp…Nhu cầu tăng trưởng qui mô đột biến này do doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng nhà máy hoặc tái cấu trúc, dẫn tới thách thức lớn cho nhà tuyển dụng trong việc thu hút và giữ chân ứng viên, xuất hiện làn sóng dịch chuyển ứng viên giữa các nhà máy trong cùng một ngành.

Các vị trí có nhu cầu tuyển dụng nhiều chủ yếu là vị trí Giám sát và cấp Quản lý, dự kiến các nhu cầu tuyển dụng vẫn sẽ tăng đều cho đến khi các công ty hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng yêu cầu tuyển dụng các ứng viên phải nói được tiếng Hoa. 

Tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, so với các ngành khác, sản xuất và công nghiệp là lĩnh vực được ghi nhận đang trả mức lương cao nhất cho rất nhiều vị trí cấp trung và cấp cao tại đây. Vị trí kỹ sư có thể được trả mức lương là 4,000 USD, cấp quản lý có vị trí trả đến 8,000 USD.

Sóng ngầm M&A địa ốc kéo theo nhu cầu tuyển dụng các vị trí cấp C-level

Theo ghi nhận, xuất hiện những thương vụ Mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực địa ốc diễn ra từ cuối năm 2018 và hoàn tất trong năm 2019, nhưng chưa được truyền thông rộng rãi. Việt Nam được nhìn nhận là địa điểm thu hút nguồn vốn cho M&A của nhiều nhà đầu tư đến từ châu Á.

Nhờ dòng vốn đầu tư của nước ngoài tiếp tục đổ dồn mạnh mẽ, bên cạnh đó là sự phát triển của các khu vực lân cận trung tâm như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Đà Nẵng… thị trường bất động sản Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức ổn định vào khoảng 15%. Điều này cũng kéo theo nhu cầu tuyển dụng các vị trí cấp C-level (các vị trí Phó Tổng Giám đốc và Tổng Giám đốc) khá nhiều như: CFO (Giám đốc Tài chính), COO (Giám đốc Hoạt động), Country Manager (Giám đốc Quốc gia hoặc Trưởng Đại diện) để phục vụ cho việc phát triển doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác