Cầu nối yêu thương số 57 (Cầu Từ Tâm 71) trong chương trình “Cầu nối yêu thương” được xây dựng tại ấp Phú Trạch 1 và ấp Long Trạch, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Cầu có chiều dài 108m, rộng 3,5m, tải trọng 3 tấn.
Đây là chiếc cầu có kích thước lớn nhất từ trước đến nay mà chương trình Cầu Từ Tâm, cũng như Cầu nối yêu thương xây dựng, dành tặng các địa phương còn khó khăn. Kinh phí xây dựng cầu là 3,754 tỷ đồng, do Nhựa Tiền Phong, Nhóm Thiện nguyện Từ Tâm cùng các nhà tài trợ và nhân dân địa phương chung tay hỗ trợ 1.000 ngày công xây dựng.
Cầu nối yêu thương số 57 (Cầu Từ Tâm 71) trong chương trình “Cầu nối yêu thương” được xây dựng tại ấp Phú Trạch 1 và ấp Long Trạch, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Phan Tuấn |
Cầu được khởi công từ ngày 31/5/2020 và hoàn thành sau 2 tháng xây dựng. Tuy nhiên do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19 xảy ra nên đến bây giờ mới tổ chức khánh thành.
Phát biểu tại lễ khánh thành, bà Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre khẳng định: “Đây là công trình trọng điểm có ý nghĩa đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tại địa phương. Đồng thời, đáp ứng mong mỏi có một cây cầu vững chắc, an toàn, phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hoá, nông sản cho 3.500 hộ với 15.000 người dân và hàng trăm em học sinh trên địa bàn”.
Lãnh đạo tỉnh, địa phương và các nhà tài trợ cắt băng khánh thành Cầu nối yêu thương số 57. Ảnh: Thanh Sơn |
Bà Yến kỳ vọng địa phương cùng bà con nhân dân tiếp tục duy tu, bảo quản tốt để cây cầu được sử dụng lâu dài. Đồng thời, bày tỏ mong muốn địa phương sẽ tiếp tục nổ lực vận động các nguồn lực để góp sức cùng tỉnh xây dựng giao thông nông thôn, an sinh xã hội, chăm lo ngày càng tốt hơn cho bà con nghèo, góp phần tích cực vào muc tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Niềm vui hân hoan của các em học sinh khi đến trường trên cây cầu mới. Ảnh: Thanh Sơn |
Ông Trần Nhật Ninh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cho biết: Cây cầu nồi liền 2 ấp với niềm hy vọng giúp người dân thuận lợi trong việc di chuyển, giao thương hàng hóa, con đường đến trường của các em học sinh được dễ dàng, nhanh chóng và an toàn hơn. Nhựa Tiền Phong cũng đã đặt ra mục tiêu hoàn thành cây cầu thứ 100 trong năm 2022 và tiếp tục duy trì chương trình trong những năm tới để hỗ trợ tốt nhất có thể cho các em nhỏ còn chịu nhiều thiệt thòi và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh.
Hân hoan trong ngày vui khánh thành cầu, chị Huỳnh Thị Duyên, người dân sinh sống tại ấp Phú Trạch 1 chia sẻ: “Có cây cầu là niềm vui lớn đối với người dân chúng tôi, bởi giấc mơ về một cây cầu nơi đây đã trở thành hiện thực. Cây cầu sẽ làm thay đổi diện mạo quê hương tôi. Bởi vậy tôi và gia đình luôn ủng hộ với tất cả những gì mình có. Từ hỗ trợ đội thi công, cho mượn đất để đơn vị làm cầu có nơi thi công thuận tiện, chặt bỏ cây, hiến đất để làm cầu. Cây cầu cũng tạo cơ hội để tôi chuyển đổi kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Tôi nghĩ rằng ngoài việc đi lại thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày của con cháu chúng tôi và nhân dân trong xã được hưởng lợi từ công trình này trong những năm tới”.
Trước đó, trong hành trình kết nối yêu thương, chiều ngày 02/7, Nhựa Tiền Phong cùng với các nhà hảo tâm, nhà tài trợ đã khánh thành 02 Cây cầu nối yêu thương số 83- 84 là Cầu liên ấp Khánh Thạnh – Tân Lợi và cầu Tổ nhân dân tự quản số 6-8 (cầu Từ Tâm 125-126) tại ấp Khánh Thạnh, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre với tổng kinh phí 332 triệu đồng.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Cầu nối yêu thương số 83. Ảnh: Thanh Sơn |
Các đại biểu cắt băng khánh thành Cầu nối yêu thương số 84. Ảnh: Thanh Sơn |
Cầu Khánh Thạnh – Tân Lợi có chiều dài 20m, rộng 2,8m, tải trọng 2,5 tấn, với kinh phí 151 triệu đồng do các nhà tài trợ đống góp và nhân dân địa phương chung tay xây dựng từ 02/4/2022 – 02/7/2022. Cầu Tổ nhân dân tự quản số 6-8 có chiều dài 16m, rộng 2,8m, tải trọng 2,8 tấn, với kinh phí 121 triệu đồng, do các nhà tài trợ đống góp và NDĐP chung tay xây dựng từ 02/4/2022 – 02/7/2022.
Còn trong sáng 02/7, Nhóm Thiện nguyện Từ Tâm đã tổ chức khánh thành cầu Thiện nguyện Từ Tâm tại ấp Tân Quới Đông A, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre với tổng kinh phí xây dựng là 450 triệu đồng (Nhóm Thiện nguyện Từ Tâm 350 triệu đồng, địa phương đối ứng 100 triệu đồng). Cầu có chiều dài 45m, rộng 3,5m, tải trọng 3,5 tấn, khởi công ngày 20/3/2022, khánh thành 02/7/2022.
Trao quà cho các em học sinh giỏi vượt khó, các hộ nghèo, gia đình chính sách nhân dịp khánh thành cầu. Ảnh: Thanh Sơn |
Nhân dịp khánh thành, Nhựa Tiền Phong và nhóm thiện nguyện Từ Tâm cũng dành tặng 141 suất học bổng, quà tặng cho các em học sinh giỏi vượt khó, các hộ nghèo, gia đình chính sách tại ấp Khánh Thạnh, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc; ấp Tân Quới Đông A, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam; ấp Phú Trạch 1 và ấp Long Trạch, huyện Mỏ Cày Nam.
Chương trình Cầu nối yêu thương là hoạt động xã hội cộng đồng do Nhựa Tiền Phong triển khai từ tháng 10/2017 và trải qua thời gian dài giãn cách do đại dịch Covid, nhưng với sự đồng hành nhóm Thiện nguyện Từ Tâm và sự ủng hộ của các nhà tài trợ, đến nay đã có hơn 90 cây cầu dân sinh được xây dựng cho bà con và hơn 5.000 suất quà, suất học bổng được trao cho các em nhỏ tại các khu vực khó khăn trên mọi miền đất nước. Chương trình với mong muốn xây dựng được nhiều cây cầu tại các khu vực khó khăn, hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và an toàn cho các em nhỏ trên đường tới trường.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre:
Trước khi cây cầu được xây dựng, tại ấp Phú Trạch 1 giáp ranh với ấp Long Trạch cùng thuộc xã Cẩm Sơn, có một bến đò ngang đã hơn 15 năm qua hằng ngày đưa đón người dân và các em học sinh qua lại. Việc di chuyển giữa hai địa phương này hoàn toàn phụ thuộc vào chiếc đò với sức chứa chỉ khoảng 6 người mỗi lượt. Vì vậy mà bà con gặp rất nhiều bất tiện và nguy cơ mất an toàn, nhất là trong những ngày mưa bão. Kể từ khi có cây cầu được đi vào sử dụng đã giúp bật lên kinh tế của toàn xã Cẩm Sơn, giao thương đi qua 3 ấp và nối lại phần đất liền của xã. Mua bán nhộn nhịp hơn, giá thành mặt hàng tăng, chăn nuôi phát triển, đã mang đến niềm vui mừng khôn tả cho bà con hai ấp Phú Trạch 1 và Long Trạch, các ấp lân cận và các em học sinh.
Ông Trần Văn Dũng, 68 tuổi, người dân ở ấp Long Trạch, xã Cẩm Sơn:
Cuộc đời tôi có 02 niềm vui là đất nước thống nhất và có cây cầu mới đi. Trước khi cây cầu được xây dựng, người dân chúng tôi muốn qua sông Thôm phải đi bằng xuồng, bằng đò rất bất tiện, thậm chí còn phải tự chèo qua, hết sức vất vả, không có đường, không có cầu, hoặc phải đi đường vòng qua cầu Cây Dương lên tới hàng chục km rất bất tiện và mất thời gian. Người dân ở ấp thường nói vui là “Không ai muốn về làm dâu xứ này”.
Với cây cầu mới này, tụi trẻ con sẽ không phải đi học xa hàng chục km nữa. Những người nghèo như chúng tôi cũng không phải tốn tiền đi đò để qua bên kia sông nữa, cũng không sợ nguy hiểm mỗi khi đi qua đò mỗi khi trời mưa, sóng lớn nữa...