Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng ngày 20/10 tại Hà Nội. Ảnh: Q.H |
Đó là những băn khoăn, lo lắng về thực tế đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức trước tình hình, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là từ khi diễn ra xung đột Nga - Ukraine.
Đó là những lo ngại về thách thức mới đang nổi lên, áp lực lạm phát cao; thị trường xuất khẩu thu hẹp; giá cả nguyên vật liệu đầu vào chưa ổn định.
Đó là câu hỏi tại sao, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm; tại sao hoạt động sản xuất - kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui và giải thể còn cao; kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa được như kỳ vọng.
Có cả những câu hỏi về công tác điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu của Chính phủ đang còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu, dẫn đến tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa, làm đảo lộn, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất ở một số địa phương.
Và còn rất nhiều lo ngại về giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực không ổn định, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng cao phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc…
Đặc biệt, những băn khoăn về tốc độ triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022 của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đến nay vẫn chậm tiếp tục được cử tri và Nhân dân gửi tới Nghị trường.
Trong các ý kiến, kiến nghị liên quan đến nội dung này, cử tri và Nhân dân đã thẳng thắn nhắc tới thực trạng thủ tục đầu tư vẫn phải thực hiện qua nhiều khâu, nhiều bước, nhiều thời gian để hoàn thành. Các ý kiến, kiến nghị còn nhắc tới tình trạng đùn đẩy, né tránh, giải quyết không dứt điểm, nhất là những thủ tục hành chính của doanh nghiệp và người dân liên quan đến đất đai, xây dựng ở địa phương cơ sở cũng như sự lựa chọn “đặng chẳng đừng” của nhiều nhà thầu khi thi công cầm chừng chờ giá giảm, vì biến động về giá xăng dầu, vật tư, giá vật liệu xây dựng quá cao, không được điều chỉnh kịp thời, dẫn đến hầu hết các nhà thầu thi công sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu…
Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt hơn, sâu sát hơn nữa của Chính phủ, tốc độ triển khai các gói giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế sẽ khó cải thiện; song trách nhiệm của các vị đại biểu đang được đặt cao. Trong sự chậm trễ này có sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật, chưa khắc phục những khiếm khuyết của các thị trường trong cơ chế, chính sách, nên chưa tạo điều kiện cho các thị trường phát triển một cách lành mạnh và bền vững, khiến các nguồn lực không thể phát huy tối đa hiệu quả…
Cũng phải nhắc lại, thành quả mà nền kinh tế đạt được trong 9 tháng qua là rất lớn.
Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Mới đây, ngày 4/10, Việt Nam là một trong số 4 nước trên thế giới được Moody’s nâng chỉ số tín nhiệm. Trước đó, ngày 6/9/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên Ba2, triển vọng ổn định.
Đây là động thái hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành kịp thời, đúng đắn và hiệu quả của Đảng, Nhà nước để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội. Song chính trong bối cảnh này, bất cứ sự chậm trễ, băn khoăn nào trong thực thi chính sách, trong thực hiện thủ tục hành chính… sẽ làm hẹp đi cơ hội phục hồi nhanh và bền vững của nền kinh tế.