Đầu tư và cuộc sống
Những cú “gồng mình”… giữ chân lao động
Anh Hoa - 01/02/2024 09:26
Kết thúc năm 2023 cũng là lúc các nhà tuyển dụng đối mặt với thách thức chưa từng có. Thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt, cùng làn sóng nhảy việc cuối năm khiến việc tìm kiếm và giữ chân lao động có kỹ năng và tay nghề trở nên khó khăn.
Dịp Tết đến, các doanh nghiệp đều canh cánh nỗi lo thưởng Tết để giữ chân lao động

Áp lực tài chính khi Tết cận kề

Mỗi dịp Tết đến, tài chính luôn là gánh nặng với rất nhiều người, từ người trẻ, công nhân, lao động phổ thông… đến những người giữ “ghế nóng” trong công ty.

Những ngày cuối năm đang đến gần, cũng chính là thời điểm mọi người sắm sửa nhiều hơn để chuẩn bị cho dịp lễ Tết. Năm nay, tình trạng bão giá, kinh tế biến động nhiều, gây ảnh hưởng đến thu nhập, khiến mọi người chi tiêu e dè hơn.

Chị Thanh Nhàn, 32 tuổi, quản lý một chuỗi siêu thị Hapro ở Long Biên (Hà Nội) chia sẻ, thời điểm này, thay vì chi tiêu cho những “bữa tiệc” mua sắm như các năm trước, chị chọn dành phần lớn số tiền lương, thưởng cuối năm để mang đi gửi tiết kiệm. Thậm chí, chị rất hạn chế quẹt thẻ tín dụng mỗi khi đi siêu thị mua đồ tiêu dùng thiết yếu.

“Tiêu bằng thẻ tín dụng, do không nhìn thấy tiền mặt trong ví ra đi, nên rất dễ rơi vào tâm lý thoải mái mua sắm, tháng sau trả. Cách chi tiêu đó khiến tôi dễ mất kiểm soát đồng tiền kiếm được”, chị Thanh Nhàn cho biết.

Trong khi đó, anh Bùi Văn Cường, 28 tuổi, nhân viên kinh doanh của một công ty gia vị có tiếng tại TP.HCM tâm sự, dù không còn háo hức mỗi dịp cuối năm, nhưng mỗi khi Tết đến, xuân về, vẫn có cảm giác mong ngóng.

“Năm vừa qua, cuộc sống của gia đình tôi gặp khá nhiều biến động. Càng về cuối năm thì gánh nặng tài chính lại càng tăng. Dịp lễ tết mệt lắm, phải chuẩn bị, lo lắng và sắp xếp bao nhiêu thứ trong gia đình. Nhưng năm nay, khi phần lớn bạn bè tôi đi làm ở công ty gặp khó khăn thì phần thưởng Tết ở công ty tôi nghe nói khá hơn mọi năm. Tôi rất mong ngóng khoản thưởng này để trang trải dịp cuối năm, cũng như trả một số khoản vay trong năm”, anh Cường cho hay.

“Phúc lợi tốt”; “Tầm nhìn truyền cảm hứng chiến lược rõ ràng”; “Mức lương cơ bản cạnh tranh” là Top 3 tiêu chí được người làm ngành dịch vụ tài chính đặt lên hàng đầu khi tìm kiếm nơi làm việc lý tưởng.

Đáng chú ý, trong khảo sát của Anphabe, lần đầu tiên tiêu chí “công việc ổn định” góp mặt trong Top 10 yếu tố môi trường làm việc lý tưởng do người đi làm bình chọn, phản ánh xu hướng của nhân tài trong ngành ngày nay ưu tiên nhiều hơn mức lương cơ bản cạnh tranh và sự ổn định tài chính giữa bối cảnh thị trường việc làm biến động liên tục.

Cũng trong cảnh chi tiêu cho dịp lễ Tết thường vượt quá thu nhập, anh Kiều Thế Huy, nhân viên giao hàng của Giao hàng tiết kiệm cho biết, năm nay anh quyết tâm không chi tiêu gì cho bản thân như mua sắm quần áo, giày dép diện Tết như mọi năm. Thay vào đó là những khoản chi tiêu thiết thực như mua sắm đồ thực phẩm, tiêu dùng theo phương châm tiết kiệm nhất có thể, cái gì không ăn được thì không mua.

“Trước đây, tôi thường mua sắm nhiều quần áo mới, giày dép trong dịp năm mới. Giờ càng lớn mình càng cảm thấy sống tối giản sẽ tốt hơn, bớt mệt tinh thần cũng như tài chính. Việc chạy đua theo người khác về vẻ bề ngoài thực sự không còn cần thiết”, Kiều Thế Huy cho hay.

Đối với trẻ con, lễ Tết là dịp để tận hưởng những khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Nhận bao lì xì, ăn ngon mặc đẹp, vui chơi thỏa thích... Nhưng đối với những người đã đi làm, mỗi độ Tết đến, xuân về luôn đi kèm những băn khoăn về chuyện tiền bạc, lương thưởng ra sao. Biếu Tết bố mẹ bao nhiêu thì đủ. Chi tiêu cho những ngày tết phải lên kế hoạch cả tháng. Nhu cầu thì đủ thứ, nhưng mà tiền kiếm được thì khó khăn. Cố gắng làm lụng dành dụm cả năm, nhưng nếu “vung tay quá trán” thì ra giêng lại “treo niêu”.

 

Nỗi lo giữ chân lao động

Trong khi đó, ở góc độ của người chủ doanh nghiệp thì nỗi lo còn gấp bội phần. Thời điểm này, truyền thông đồng loạt phản ánh con số mà nhiều doanh nghiệp thưởng Tết. Có doanh nghiệp thưởng hàng trăm triệu đồng. Điều này gâp áp lực lên các doanh nghiệp khác, nhất là những doanh nghiệp nhỏ. Có doanh nghiệp dù thu lỗ, vẫn phải vay tiền để thưởng Tết…

Đã có bài học không ít công ty mất lao động vì không thưởng Tết. Nhiều người lao động cho biết, sẵn sàng bỏ việc nếu không được thưởng Tết.

“Công ty tôi năm ngoái không có thưởng Tết. Sếp động viên, hứa hẹn sẽ bù đắp, nhưng cả năm không thấy đâu. Năm nay cũng vậy, nhưng năm nay, tôi chọn ra đi khi biết chắc chắn công ty mình sẽ không thưởng Tết. Kèm theo đó là hàng loạt vị trí khác nghỉ việc đồng loạt. Các năm trước, tôi đã cống hiến hơn 100% sức lực, kể cả khi công ty neo người và nghỉ việc hàng loạt, thế nhưng thứ tôi nhận lại được chỉ là những khoản phụ cấp rất nhỏ. Thay vì tin vào những lời hứa hẹn lần lữa, tôi thà nghỉ việc và tìm kiếm một công việc lương cao hơn, xứng đáng với công sức bỏ ra”, một nhân viên tâm sự.

Để có thể thu xếp mức thưởng Tết cho nhân viên, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm các chi phí không cần thiết, trích lập quỹ thưởng Tết từ đầu năm.

Riêng với ngành dệt may, da giày, dù là gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp cho biết, đã chuẩn bị đủ nguồn tài chính để thưởng Tết cho công nhân và phát thưởng sớm để người lao động sắm Tết.

Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony, chế độ thưởng năm nay có một phần quà Tết cho mọi người vui vẻ, hai là thưởng bằng tiền mặt từ 1 đến 3 tháng lương.

Trong khi đó, tại Công ty TNHH Mỹ Anh, đơn vị chuyên may trang phục đã trải qua một năm kinh doanh khó khăn chồng chất, doanh thu thấp hơn năm 2022. Tuy vậy, dịp Tết này, bằng mọi cách, Công ty vẫn duy trì thưởng cho công nhân, cố gắng thưởng bằng hoặc hơn so với năm trước để giữ chân người lao động.

“Trong dịp lễ, Tết, sẽ duy trì thưởng bằng hoặc cao hơn năm trước, nhằm khuyến khích, động viên người lao động”, bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc Công ty Lộc cho biết.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, chi phí nhân sự là một trong những khoản chi phí lớn nhất mà bất kỳ công ty nào cũng phải chịu. Trong ngành bán lẻ, trung bình chiếm khoảng 20% tổng doanh thu, thậm chí nhiều hơn chi phí hàng tồn kho trong hầu hết  trường hợp. Các ngành khác, bao gồm cả lĩnh vực thực phẩm và khách sạn, thường thấy tỷ lệ này khoảng 30-35% và có thể dễ dàng lên đến 50%.

Chi phí nhân sự đang tăng lên chóng mặt qua từng thời kỳ. Mặc dù những con số này chỉ là số liệu trung bình, nhưng không có gì lạ khi thấy các trường hợp riêng lẻ thậm chí còn tăng cao hơn. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, chi phí nhân sự có thể làm tăng thu nhập trong tích tắc nếu các yếu tố rủi ro không được giám sát và điều chỉnh tích cực, hoặc người sử dụng lao động không tuân thủ luật lao động mới nhất.

Bài toán sức bền tài chính

Thị trường năm 2024 vẫn là một dấu hỏi lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặt ra thách thức cho doanh nghiệp trong việc xây dựng khả năng đáp ứng linh hoạt và bền vững tài chính để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống trong thời gian tới. Tuy nhiên, phần lớn các đại diện doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tài chính lại cho thấy mức độ tự tin khá cao khi nói đến khả năng phục hồi sau biến động của tổ chức mình.

Theo khảo sát của Anphabe với 140 đại diện doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tài chính cho thấy, 62% trong số họ rất tự tin rằng “bất chấp những biến động của thị trường và nền kinh tế, công ty vẫn có thể đứng vững trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, 54% cho rằng, doanh nghiệp của họ có khả năng thích nghi tốt với những biến động của thị trường.

Khảo sát đại diện các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tài chính về định hướng nhân sự của công ty họ trong 2 năm tới cho thấy, có đến 57% trong số họ xác định rằng, việc đào tạo/tái đào tạo nguồn nhân lực với những kỹ năng mới, quan trọng là nhiệm vụ hàng đầu, cùng với việc tối ưu hóa chính sách lương, thưởng, phúc lợi, nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ quản lý.

Điều này phản ánh xu hướng chung là nâng cao chất lượng và hiệu suất làm việc thông qua việc cải thiện năng lực và phúc lợi cho nhân viên. Trong khi đó, kỹ năng người lao động cần có thì khả năng hiểu biết và tư duy kinh doanh được coi là hai năng lực then chốt, với 51,2% doanh nghiệp đánh giá cao tầm quan trọng của nó. Điều này cho thấy, doanh nghiệp có nhu cầu cao về những nhân viên có hiểu biết sâu sắc và sự nhạy bén trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, cải thiện chất lượng môi trường làm việc và hoạch định nguồn nhân lực cũng là vấn đề được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.

Dữ liệu của Anphabe cũng cho thấy, 60% doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tài chính vẫn sẽ duy trì nguồn nhân lực hiện tại, trong khi khoảng 27% có kế hoạch mở rộng quy mô nhân sự trong năm 2024. Các chức năng chiến lược mà doanh nghiệp trong ngành dự kiến tập trung tuyển dụng bao gồm bán hàng, tiếp thị, nghiên cứu và phát triển (R&D), đều là lĩnh vực quan trọng thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng doanh thu.

Bộ phận quản trị nhân sự cần có chiến lược cụ thể để không phải sa thải lao động khi gặp thách thức. Thực trạng cắt giảm nhân sự để ứng phó với biến động thị trường là bài toán đầu tiên bộ phận quản trị nhân sự phải đối mặt. Năm 2023, gần 70% doanh nghiệp chọn sa thải lao động khi gặp khó khăn, tiếp đó là tạm dừng tuyển dụng mới.

Mặc dù vậy, thực tế, nhiều lãnh đạo đau đầu vì tình trạng khan hiếm nhân tài. Điển hình, từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần 700.000 nhân lực ngành công nghệ thông tin. Trong khi đó, số lượng lập trình viên của Việt Nam hiện tại mới đạt khoảng 530.000 người, tức thiếu gần 200.000 người.

Trước bối cảnh phải đảm bảo chất lượng lao động ở giai đoạn tối ưu nguồn lực, doanh nghiệp cần đầu tư chiến lược đào tạo, phát triển kỹ năng cho nhân sự.

Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet cho rằng, thực trạng trên vừa là thử thách, vừa là cơ hội để Giải thưởng nhân sự Vietnam HR awards thể hiện vai trò “chiến lược gia”, đồng hành doanh nghiệp trong việc tối ưu nguồn lực nội bộ.

“Họ cần quyết tâm thực hiện những cú bật nhảy ấn tượng để hóa rồng”, bà Tiêu Yến Trinh nói.

Theo đó, các doanh nghiệp buộc phải có loạt kỹ năng mềm lẫn cứng, điển hình là ứng dụng công nghệ trong công tác quản trị hay phân tích dữ liệu nhằm theo dõi, đánh giá chính xác hiệu suất người lao động trong giai đoạn hiện tại.

Tin liên quan
Tin khác