Ngân hàng - Bảo hiểm
Những "ghế nóng" nhà băng đổi chủ sau 3 năm tái cơ cấu
Thùy Vinh - 05/01/2016 08:02
Chỉ sau hơn 3 năm tái cơ cấu, nhiều ghế “nóng” của các ngân hàng đã được đổi chủ. Làn sóng biến động nhân sự cấp cao trong ngành dự báo tiếp tục dâng trào trong thời gian tới, khi quá trình tái cấu trúc vào giai đoạn cuối.

Vất vả tìm người ngồi ghế “nóng”

Vị trí sếp ngân hàng ngày càng trở nên nóng bỏng khi cuộc “đại phẫu” ngành ngân hàng sắp đến giai đoạn kết thúc, nhất là ở những ngân hàng quy mô vốn trên 10.000 tỷ đồng, nhưng kết quả kinh doanh sa sút, nợ xấu tăng, buộc phải tái cấu trúc.

Tìm người ngồi vị trí ghế “nóng” hết sức khó khăn, đơn cử như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tìm người vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Sau cuộc họp Đại hội cổ đông kéo dài cả một ngày, từ 9h sáng đến 17h chiều mà chưa chọn được ai, phải sang ngày hôm sau, thêm một cuộc họp căng thẳng kéo dài 3 tiếng đồng hồ mới chọn được ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập Eximbank vào vị trí Chủ tịch HĐQT.

Chỉ sau hơn 3 năm tái cơ cấu, nhiều ghế “nóng” của các ngân hàng đã được đổi chủ

Thậm chí, hiện vẫn còn tin đồn, ông Lê Minh Quốc chưa hẳn là người ngồi ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT Eximbank, mà khả năng sẽ còn thay đổi. Phía Eximbank cũng chưa phát đi thông điệp nào về việc Ngân hàng đã có tân Chủ tịch HĐQT, mà chỉ trả lời là đang chờ phê chuẩn từ Ngân hàng Nhà nước.

Tương tự, việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã hoàn tất và sắp tới đây, Sacombank chuẩn bị tiến hành Đại hội cổ đông bất thường, nhưng ông Trầm Bê, người từng giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT thường trực Sacombank, đã phải bàn giao công việc trước ngày 30/10/2015. Ông Bê sẽ không tham gia quản trị Sacombank sau tái cơ cấu.

Dự kiến, đại diện của Nhà nước tham gia vào HĐQT Sacombank sau hợp nhất sẽ chính thức có mặt trong Đại hội cổ đông sắp tới. Thị trường còn xuất hiện thông tin khả năng ghế “nóng” điều hành cao nhất Sacombank cũng thay đổi.

Chủ tịch HĐQT nhưng không có cổ phiếu nhiều nhất

Chỉ trong vòng chưa đầy một quý giữa năm 2015, có không dưới 3 ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT ở 3 ngân hàng đã được soán ngôi. Saigonbank vừa đưa ra thông báo đến cổ đông về việc thay đổi nhân sự cấp cao ở vị trí Chủ tịch HĐQT. Theo đó, ông Nguyễn Phước Minh thôi đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ 2013 - 2017 từ ngày 1/9 để nghỉ hưu theo chế độ. Người thay thế ông Minh là ông Trần Quốc Hải, thành viên HĐQT.

Không chỉ Saigonbank, mà trước đó vào giữa tháng 7/2015, Nam A Bank cũng bất ngờ tiến hành Đại hội cổ đông bất thường, thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Nam A Bank nhiệm kỳ VI (2011-2016) của ông Nguyễn Quốc Toàn. Trong khi đó, ông Toàn chỉ mới được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của Nam A Bank từ ngày 27/3/2015.

Một trong những ngân hàng được dư luận quan tâm nhất trong những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2015 chính là DongA Bank. Ngân hàng này rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Tại kỳ Đại hội cổ đông ngày 21/7, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongA Bank xin từ nhiệm và Đại hội cổ đông đã bầu ông Võ Minh Tuấn vào vị trí Tổng giám đốc, đồng thời làm Chủ tịch HĐQT.

Với chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành của Ngân hàng Nhà nước, theo các chuyên gia, sẽ còn nhiều ngân hàng thay ghế chủ tịch HĐQT và người mới chưa hẳn là các ông chủ thực sự của nhà băng đó.

Việc các chủ tịch HĐQT không nắm giữ cổ phiếu nào của ngân hàng xem ra không phải hiếm, khi gần đây, không ít người ngồi vị trí này thẳng thừng tuyên bố không có một cổ phiếu nào. Trong khi theo thông lệ, Chủ tịch HĐQT thường là người có cổ phần nhiều nhất. Giải thích cho điều này, một chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng, Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP và được ghi trong Điều lệ Ngân hàng TMCP. Nhưng Chủ tịch HĐQT cũng chưa hẳn đã là người nhiều vốn nhất, vì pháp luật chỉ quy định Chủ tịch HĐQT do HĐQT bầu ra, mà không hề nói người được bầu đó là ai, có phải là người nhiều vốn nhất hay không.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành và xu hướng sắp tới là sẽ sáp nhập, hợp nhất không ít ngân hàng nhỏ. Trong xu thế hiện nay, việc sáp nhập, hợp nhất là điều đương nhiên. Vì muốn cạnh tranh được trong bối cảnh thị trường ngày một khó khăn thì phải hợp nhất lại để lớn mạnh, không chỉ về công nghệ, mạng lưới và con người, mà cả việc nâng tầm mô hình quản trị và tăng trưởng. Do đó, không chỉ ngân hàng yếu sáp nhập với nhau, mà ngay cả ngân hàng lớn cũng M&A. Cùng với làn sóng M&A sẽ kéo theo sự thay đổi về cơ cấu cổ đông, cũng như giảm tỷ lệ sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng.

Tin liên quan
Tin khác