Nếu thay đổi chiến lược, Ả Rập Xê út sẽ lãng phí tất cả công sức đã bỏ ra trước đó |
Việc giá dầu mỏ sụp đổ cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã gây ra rất nhiều khó khăn cho OPEC. Hiện tại, tuy sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã giảm bớt, nhưng doanh thu từ “vàng đen” của các thành viên OPEC vẫn sụt giảm nghiêm trọng cùng với những biến động trên thị trường.
Ả Rập Xê út hiện đang phải chịu rất nhiều sức ép. Chính quyền quốc gia này đang cân nhắc giảm chi tiêu nhằm hạn chế tình trạng thâm hụt ngân sách tăng cao hơn. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Ả Rập Xê út có thể sớm đối mặt với mức thâm hụt ngân sách lên tới 20% GDP trong thời gian tới.
Không chỉ quốc khố chịu tổn thất vì nguồn thu từ dầu mỏ giảm xuống, các thị trường trái phiếu của nước này cũng đang gặm nhấm nỗi đau tương tự. Giá dầu mỏ thấp đã buộc Ả Rập Xê út, lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua, phải phát hành trái phiếu với kỳ hạn trên 12 tháng, nhằm thu hút về 35 tỷ riyal (khoảng 10 tỷ USD) kể từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, đồng nội tệ của nước này ngày càng chịu nhiều sức ép. Ả Rập Xê út hiện đang neo đồng nội tệ riyal với USD, với tỷ giá cố định vào khoảng 1 USD đổi 3,75 riyal. Song thị trường đồn đoán rằng, đồng tiền của Ả Rập Xê út có thể sẽ phải phá giá và không thể giữ được biên độ tỷ giá nói trên. Theo khảo sát của Thời báo Tài chính, trên thị trường chợ đen của Ả Rập Xê út, đồng riyal thực tế đã yếu đi và được giao dịch ở mức 1 USD đổi 3,79 riyal.
Trước tình hình đó, chính phủ Ả Rập Xê út buộc phải đưa ra tuyên bố khẳng định Cơ quan Quản lý tiền tệ quốc gia cam kết tuân theo chính sách neo tỷ giá giữa đồng nội tệ và đồng USD, nhằm xoa dịu tình hình. Tuy nhiên, nếu giá dầu mỏ không phục hồi, Ả Rập Xê út sẽ tiếp tục phải sử dụng nguồn lực ngoại hối để giữ cho đồng nội tệ ổn định.
Tất cả những tổn thương mà Ả Rập Xê út phải chịu đựng khiến cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào chính quyền tại thủ đô Riyadh, nhất là khi giá dầu liên tục chạm các mốc thấp kỷ lục trong tuần qua. Dù giá dầu đã phục hồi một phần, song thị trường đang cố đưa ra những dự báo trong trường hợp Ả Rập Xê út thay đổi chiến lược.
Ngay trong nội bộ OPEC, các quốc gia thành viên hiện đang bị chia rẽ vì quan điểm khác biệt. Bộ trưởng Dầu mỏ Algeria đã gửi thư tới Ban thư ký OPEC đề nghị tổ chức này sớm quyết định hành động cắt giảm sản lượng. Trước cuộc họp gần đây nhất vào tháng 6 vừa qua, các quan chức Venezuela cũng gây sức ép thay đổi trong nội bộ OPEC nhằm kéo giá dầu lên. Hay gần nhất, trước tình trạng giá dầu giảm mạnh, Iran đã kêu gọi tổ chức hội nghị khẩn cấp giữa các nước thành viên OPEC trước thềm Hội nghị định kỳ của khối vào tháng 12 tới, nhằm tìm ra một giải pháp phù hợp trong tình hình mới. Điều này cho thấy, ngày càng có nhiều thành viên OPEC mong muốn tổ chức này cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Nếu chiến lược theo đuổi thị phần của Ả Rập Xê út không phát huy hiệu quả, hay thậm chí các thành viên khác trong OPEC ủng hộ việc thay đổi chính sách sản lượng, liệu chính quyền Riyadh có cân nhắc lại và đưa ra quyết hạn giảm sản lượng hay không?
Theo một số nhà phân tích, khả năng Riyadh nhượng bộ là rất thấp, nhất là khi các đối thủ cạnh tranh của OPEC cũng đang gặp những khó khăn tương tự. Chắc chắn, Ả Rập Xê út sẽ phải chịu đựng thiệt hại từ giá dầu thấp, song “nỗi đau” của các đối thủ cạnh tranh thậm chí còn tệ hại hơn. Đây chính là mục tiêu lớn nhất của Riyadh.
Được biết, sản lượng dầu mỏ của Mỹ sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ đã bắt đầu phải co lại, khi chạm đỉnh 9,69 triệu thùng/ngày vào tháng Ba và giảm xuống 9,51 triệu thùng/ngày trong tháng Năm (tháng gần nhất có số liệu thống kê chính xác). Bên cạnh đó, một số công ty dầu khí Mỹ đã phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản. Điều này sẽ cho phép Ả Rập Xê út đạt được mục tiêu giữ thị phần và nắm quyền điều chỉnh giá trở lại trong tương lai.
Ả Rập Xê út chấp nhận lao vào cuộc chơi dài hạn với các đối thủ, bởi ngay cả động thái cắt giảm chi tiêu ngân sách cũng nhằm mục đích giữ sức bền, đưa dòng thủy triều và cuộc chơi với các đối thủ đi càng xa càng tốt.