Đầu tư và cuộc sống
Những nghề đặc biệt dần biến mất ở Việt Nam
Thành Tuyên - 16/08/2014 07:25
Những nghề như nhuộm quần áo, viết thư thuê, đánh máy chữ, hoạn lợn, in lụa, xe đạp ôm, bán kem, bán kẹo kéo dạo, bơm mực bút bi, ... chỉ có ở Việt Nam thời bao cấp
TIN LIÊN QUAN

Đánh máy chữ

Nghề đánh máy chữ có từ lâu ở các văn phòng công tư, nhưng sau năm 1975 thì tràn ra đường. Người hành nghề này phải có một cái máy đánh chữ cũ, giấy, một cái bàn, một cái ghế cho mình và một cái cho khách, cộng thêm một chút chữ nghĩa, luật lệ.

Nghề đánh máy chữ

Bàn máy được bày ra vệ đường, nếu không bị công an, dân phòng đuổi hay mưa gió thì mỗi ngày gõ cũng được vài chục trang giấy. Người dân nhờ họ đánh “sơ yếu lý lịch”, “đơn xin”, “đơn khiếu nại”, … Công đánh máy chỉ vài hào/ trang.

Hiện ở thành phố Cần Thơ vẫn còn một “phố đánh máy chữ thuê” mặc dầu bây giờ sắm một máy vi tính cũ rẻ để phục vụ khách.

Hàn dép cao su (hàn dép mủ)

Nghề làm dép cao su

Dép làm bằng mủ cao su hay nhựa khi bị đứt thì bạn có thể thuê những người hành nghề “hàn dép” để “hàn” lại chỗ đứt. Dùng một thanh sắt như cái vít ốc nung nóng và các mẫu nhựa vụn đủ màu, họ có thể làm “lành” các vết đứt trên dép.

Ai hành nghề khéo tay, bảo đảm không để “sẹo lồi”. Chỗ đứt được làm liền bằng phẳng. Giá bình dân, chờ 5 phút lấy liền.

Rang bắp

Rang bắp không phải để ăn “bắp rang” mà làm … cà phê. Nghề này rộ lên từ sau năm 1975 và còn sống dài dài. Tùy nhà chế biến mà tính chuyện trộn thêm bắp rang, xay nhuyễn vào cà phê, cộng thêm một ít hương vị, dầu bơ cho thơm.

Nhiều gia đình chỉ làm chuyện rang bắp, trộn cà phê bỏ mối mà có tiền nuôi 2-3 đứa con ăn học cả nhiều năm trời. Nhiều người ngày nay uống cà phê pha bắp rang riết rồi quen vị, uống cà phê nguyên chất lại chê chẳng ngon vì không thấy … mùi bắp rang.
 
Nghề viết thư thuê

 Nghề này có “trình độ văn hóa” hơn. Đối tượng “phục vụ” là các cô, các bà hoặc các ông nông dân ít học. Họ viết thư giúp “gởi ra nước ngoài” để xin tiền, xin hàng, xin bảo lãnh định cư, tâm tình để kiếm chồng ngoại, hỏi thăm,…

Nghề viết thư thuê

Người viết thư còn phụ trách luôn khâu đọc thư để tìm lời văn để trả lời cho thích hợp. Thư viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tàu có giá cao hơn năm ba lần thư thường viết bằng tiếng Việt.

Thư gởi đi, nếu có may mắn được phản hồi nhanh chóng, người viết thư mướn còn được “bo” lần sau. Nhiều khi, nội dung các thư “tâm sự - tình yêu” na ná như nhau, hoặc giống y như các câu văn cóp được trong quyển “Các bức thư tình hay nhất thế giới”.

Nghề Rút lốp

Nghề rút lốp ra đời khi xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu và quý giá

Những năm của thời bao cấp, một chiếc xe đạp đáng giá bằng cả gia tài của một gia đình Việt. Bất cứ phụ tùng nào của chiếc xe đều rất hiếm hàng thay thế, vì vậy, nghề vá lốp cũng ra đời và phát triển.

Rất nhiều người Việt sinh vào những năm 70-80 của thế kỷ trước còn giữ lại trong ký ức những chiếc dép nhựa được vá quai và cả một nghề dịch vụ nay đã không còn..

Nghề nhuộm quần áo

Nghề nhuộm quần áo ở chợ quê

Nghề nhuộm lại quần áo bằng vải nâu trong những phiên chợ quê giờ cũng trở thành hình ảnh của dĩ vãng.

In lụa

Nghề này cũng dễ học nhưng cần khéo tay, phát triển mạnh sau những năm 1985. Tấm lụa có kích thước lớn hơn khổ giấy A4 một chút được căng bằng một khung gỗ (kích thước có thể lớn nhỏ hơn một chút, tùy khổ giấy in ra).

Quét hóa chất lên lụa, đặt bản in trên giấy bóng mờ rồi đem phơi nắng để có một bản mẫu. Dùng giấy trắng đặt ở dưới rồi quét sơn trên lụa, dùng thanh gạt cào qua lụa, mực sẽ "in" xuống tấm giấy. Với tay nghề cao, có thể in nhiều màu với nhiều lần quét, kiểu như in typo. Nghề này còn "sống" đến ngày nay nhưng kém cạnh tranh hơn hẳn so với khoảng thời gian 1980 - 1995.

Bơm mực bút bi

Nghe có vẻ khá lạ tai, nhiều bạn trẻ ngày nay chắc chắn sẽ trầm trồ khi biết đến nghề này, bởi tầm hai mươi năm đổ lại đây, bút bi đã xuất hiện rất nhiều và rất rẻ nên nếu bút hết mực chúng ta sẵn sàng mua một cái khác. Hoặc cùng lắm vào cái thời những năm 90 mấy thì lũ học trò thường mua cái ruột bút để thay vào (chỉ mấy trăm đồng/cái) vì vậy thế hệ 8x, 9x, cũng không biết hoặc chưa từng nghe đến nghề này.

Dụng cụ bơm mực bút bi

Người hành nghề đặt tất cả đồ nghề trên chiếc xe đạp gồm ống tiêm, cồn tẩy mực, mực bút bi, đầu viết bi, đầu bi, ống ruột viết,… Chiếc bút bi khi hết mực sẽ được rửa sạch ruột, nếu đầu bi hỏng sẽ được thay bằng một đầu bi… cũ khác nhưng có thể còn xài được.

Cách người ta bơm mực vào bút bi

Sau đó, bơm mực vào ống ruột viết bi để dùng tiếp. Dùng loại viết bi “phục hồi” này, nguy cơ bị mực chảy ra áo … khá cao.

Bơm ga bật lửa

Nghề bơm ga bật lửa

Giống như viết bi, hộp quẹt ga khi hết cũng có thể sửa lại, nạp ga vào và dùng tiếp. Hàng này không có “bảo hành” nếu có … hỏa hoạn. Ở miền Bắc, những người bơm ga bật lửa thường hay đi một chiếc xe đạp cũ, vừa đi vừa rao "ai bơm ga bậ lửa nào". Nhà ai bật lửa ga gần hết thường gọi lại để bơm ga. Giá một lần bơm ga thường chỉ từ 500 đồng đến 700 đồng/1 cái.

Bán kem dạo

Tuổi thơ của thế hệ 8x, 9x đời đầu thường gắn liền với những tiếng kèn "kem mút, kem mút" của những người bán kem dạo. Những người bán kem dạo thường đi chiếc xe phượng hoàng cũ, hoặc kiểu xe giống như xe thồ, phía sau đèo một chiếc thùng gỗ đựng kem.

Người bán kem dạo

Tiếng “kem mút… kem mút” vang lên từ chiếc còi cầm tay của ông bán kem trên chiếc xe đạp cũ. Mỗi que kem thường có giá 100 đồng hoặc được đổi bằng những đôi dép nhựa rách, vỏ chai, giấy vụn, lông ngan, lông vịt, sắt vụn... Nghề này thường xuất hiện ở các vùng nông thôn Việt Nam, nhưng dần dần người ta thấy nó biến mất.

Nghề bán kẹo kéo/đổi kẹo kéo

Xe kẹo kéo

Cũng giống như những xe kem dạo, những chiếc xe bán kẹo kéo dạo cũng trở thành những kỉ niệm không thể nào quên đối với trẻ em nông thôn vào những năm 90 của thế kỉ trước. Khi tiếng rao lanh lảnh "ai kẹo kéo đây!" cất lên thì lập tức những ngõ nhỏ, trẻ em ùa ra vây quanh chiếc xe như đàn chim vỡ tổ, đứa có tiền thì mua, đứa có "đồng nát" thì đổi. Những que kẹo kéo vàng như mật, thơm ngon kiếm bất cứ đứa trẻ nào cũng mê tít.

Nhưng ngày nay, những chiếc xe kẹo kéo dần vắng bóng, thậm chí nhiều vùng quê cũng không còn thấy xuất hiện nữa!

Xe đạp ôm

Nghề xe đạp ôm

Sau năm 1975, xăng dầu khan hiếm, xe gắn máy trở nên xa xỉ, nhiều người xoay qua hành nghề chạy xe đạp ôm. Nghề này được người dân ở các thị xã, thành phố từ Quảng Trị đến Cà Mau chấp nhận dù có lúc bị công an rượt đuổi.

Nghề hoạn lợn

Nghề hoạn lợn

Thời bao cấp nhà nhà, người người nuôi lợn, và hoạn lợn trở thành nghề mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Đội quân chuyên nghề hoạn lợn, có mặt tại khắp các xóm ngõ. 

Tin liên quan
Tin khác