Doanh nghiệp
Những người khổng lồ ẩn danh đang làm nên rường cột của kinh tế
Bảo Duy - 02/05/2019 15:33
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhắc đi nhắc lại rằng, khu vực kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế, không thể khác và rằng, khu vực này phải là rường cột của kinh tế nước nhà. Nhưng, hành trình khơi dậy sức dân vẫn còn dài và một lần nữa, câu nói thể chế nào, doanh nghiệp, doanh nhân ấy được nhắc lại.
Nến kinh tế Việt Nam đang cần một lực lượng doanh nghiệp chuyên nghiệp, sáng tạo đủ sức khớp nối vào nền kinh tế số.

Từ sức sống trong khu vực kinh tế của người dân…

Hai năm sau khi Nghị quyết số 10-NQ/TW được ban hành, bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam có thêm nhiều màu sắc mới. Số tỷ phú USD người Việt nhiều thêm. Start-up kỳ lân đầu tiên xuất hiện…

Vào thời điểm này, ông muốn nói gì về khu vực kinh tế tư nhân Việt?

15 năm trước, tôi đã mơ một ngày, chúng ta không phải nói về doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, mà chỉ nói là doanh nghiệp Việt. Chỉ một từ này thôi.

Tiến trình dần như vậy, vì môi trường kinh doanh sẽ phải bình đẳng, công khai, minh bạch, đi cùng đó là sự thoái lui của Nhà nước trong các hoạt động kinh doanh, để doanh nghiệp hoạt động đúng quy luật thị trường, dù là thuộc sở hữu nào.

Tôi giữ quan điểm cần phân định khu vực kinh tế tư nhân theo thông lệ quốc tế, nghĩa là gồm cả khoảng 700.000 doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, 5,2 triệu hộ kinh doanh và cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam. Theo cách này, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp hơn 60% GDP, chắc chắn là động lực của nền kinh tế, không thể khác.

Ông Vũ Tiến Lộc.

Nhưng, khu vực kinh tế tư nhân mà chúng ta đang bàn ở đây là khu vực tư nhân trong nước, đang chiếm hơn 40% GDP. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân góp khoảng 10%, còn lại là hộ kinh doanh cá thể. Động lực của nền kinh tế dường như nằm ở những doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ?

Với mọi nền kinh tế, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa luôn là xương sống. Sức sáng tạo, năng lượng, động lực và cả tính dân chủ về kinh tế nằm ở đây. Những đối tượng dễ bị tổn thương, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, vấn đề chính trị và cả những lá phiếu bầu... cũng nằm ở hàng triệu hộ kinh doanh cá thể này. Về bản chất, đây là doanh nghiệp của dân.

Chúng ta đã chứng kiến sức sống bền bỉ của khu vực này, từ lúc phải né tránh thuật ngữ doanh nghiệp tư nhân, phải gọi bằng hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp dân doanh… đêm trước Đổi mới, đến tận bây giờ, khi đường hoàng có tên trong Nghị quyết của Đảng. Chính khu vực này là nền móng để có được những doanh nghiệp tư nhân lớn, đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều ngành, lĩnh vực…

Hiện tại, kinh tế thế giới thay đổi rất mạnh. Internet, dữ liệu số, các nền tảng kinh tế chia sẻ khiến kinh tế toàn cầu dần bị chi phối bởi hàng triệu, hàng tỷ người kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, thay vì một vài tập đoàn siêu lớn như giai đoạn trước.

Có thể nói, họ chính là những người khổng lồ ẩn danh, tạo ra sức sống của kinh tế toàn cầu. Ở Việt Nam cũng vậy!

… đến hành trình khơi dậy sức sáng tạo

Trong dịp bàn về 30 năm Đổi mới của nền kinh tế, ông Lộc đã từng nói nếu kinh tế Việt Nam là con tàu cao tốc và chắc chắn phải trở thành con tàu cao tốc, thì đường ray phải là thể chế kinh tế thị trường và đầu máy kéo là kinh tế tư nhân. Tốc độ của khu vực kinh tế tư nhân sẽ phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đường ray.

Hiện tại, chiếc đầu máy ấy đã có đường ray đủ năng lượng để bứt tốc chưa, thưa ông?

Tôi muốn nhắc tới chủ đề Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp quốc tế (B20) tại Tokyo (Nhật Bản), chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa diễn ra vào tháng 3/2019. Đó là “Xã hội 5.0 để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”. Xã hội 5.0 nghĩa là xã hội sáng tạo.

Nói theo cách nào đi chăng nữa, kinh tế số là đặc trưng cơ bản của thế giới này, của kỷ nguyên này. Một quốc gia thành công hay không lúc này là có thực hiện chuyển đổi số thành công hay không.

Với Việt Nam, quá trình chuyển đổi số diễn ra song song với hoàn thiện kinh tế thị trường, nghĩa là đường ray mà nền kinh tế Việt Nam đang chạy không còn như vài năm trước. Tư duy phát triển, đổi mới cũng vậy.

Trong quá trình này, vai trò của kinh tế tư nhân, của doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ ngày càng rõ nét. Trước đây, chỉ doanh nghiệp lớn mới ra được thị trường thế giới, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nay một nông dân, thợ may vẫn có thể làm được việc đó nhờ kết nối và chia sẻ và đặc biệt là nhờ động cơ và cơ hội tiếp cận tới các chuẩn mực toàn cầu.

Đặc biệt, khi đường ray phát triển là kinh tế thị trường và kinh tế số, thì con tàu đi trên đó sẽ được kiểm soát bởi sự minh bạch, thông lệ quốc tế, hạn chế những mặt trái của khu vực tư nhân, như lợi ích nhóm, doanh nghiệp thân hữu…

Thế giới đang nhỏ lại, doanh nghiệp nhỏ đang lớn lên ở nghĩa đó. Năng lượng của nền kinh tế, sức sống của nền kinh tế là từ người dân, từ nhân dân là nghĩa đó.

Nhưng câu hỏi vẫn là doanh nghiệp tư nhân trong nước đã đủ sức ở vai trò đầu kéo?

Khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Việc họ thực sự là ngôi sao của nền kinh tế hay không, thực sự là động lực hay không, có đủ sức là đầu kéo hay không phụ thuộc vào nền kinh tế có thực sự muốn họ làm điều đó không. Vì đơn giản là thể chế nào, doanh nghiệp đó.

Nhiều doanh nghiệp chọn cách giàu lên từ đất đai, tại sao nhiều doanh nghiệp chụp giật... phải chăng vì cơ chế quản lý đất đai còn lỗ hổng, vì cơ chế còn thuận cho xin – cho, vì kinh doanh bằng quan hệ…

Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm đa số, số doanh nghiệp vừa quá ít, chỉ 1,7% tổng số doanh nghiệp, bé hơn cả doanh nghiệp lớn (2%) khiến cơ cấu doanh nghiệp đầy khiếm khuyến, phải chăng vì họ chưa có động cơ để lớn hay chưa có môi trường kinh doanh đảm bảo an toàn, công bằng cho sự lớn lên đó.

Đây là thực tế phải bàn, nhất là khi nền kinh tế đang có gia tốc lớn từ hội nhập, từ các bước hoàn thiện thể chế…, tạo không gian để sức dân, sức doanh nghiệp được giải phóng. Đó là chưa kể dư địa mênh mông từ kinh tế số, cơ hội bình đẳng về tiếp cận nguồn thông tin, dữ liệu lớn…

Nhưng, nếu thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu vẫn gấp 2-3 lần Thái Lan, Malaysia, thời gian gia nhập thị trường dài hơn doanh nghiệp trong khu vực cả tháng trời… thì doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh, không thể tăng năng suất…

Và quan trọng là Việt Nam sẽ khó có thêm nhiều doanh nghiệp lớn?

Doanh nghiệp cần môi trường để phát triển bền vững, chuyên nghiệp, theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, dù chọn con đường lớn lên hay giữ quy mô vừa và nhỏ.

Đây là lý do tôi vẫn đề nghị đưa hộ gia đình vào Luật Doanh nghiệp, tạo hệ sinh thái để khu vực đang tạo nên 30% GDP phát triển, tăng năng suất lao động, làm nền móng, bệ đỡ cho doanh nghiệp lớn lên. Cần chú ý là khu vực này cần chính sách để phát triển chứ không phải là từ thiện. Khi khu vực đang tạo nên 30% GDP chuẩn mực hơn, chuyên nghiệp hơn, có thể tham gia vào mạng lưới toàn cầu, sẽ không phải bàn luận nhiều về tỷ lệ nhiều hay ít doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ gia đình…

Tất nhiên, chúng ta cần thêm nhiều doanh nghiệp lớn, làm đầu tầu các chuỗi sản xuất mới. Họ cũng cần bệ phóng và sự hậu thuẫn của Nhà nước để làm được việc này. Câu chuyện của ngành bán dẫn của Mỹ vài thập kỷ trước có thể là một bài học. Khi đó, doanh nghiệp Mỹ mất sức cạnh tranh do doanh nghiệp Nhật Bản trỗi dậy. Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định có một hợp đồng với doanh nghiệp Mỹ qua hình thức đặt hàng, đối tác công – tư. Với sự hỗ trợ từ các cơ sở nghiên cứu của nhà nước, thị trường được nhà nước mở ra, các doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ được vực dậy, tìm lại vị thế.

Đây có thể là giải pháp cho doanh nghiệp lớn của Việt Nam đi nhanh hơn, vững vàng hơn. Đề cao vai trò kinh tế tư nhân, nhưng đồng thời đề cao vai trò của đối tác công – tư, sự bắt tay của Nhà nước và khu vực tư nhân. Đó là hai ban tay, cùng vỗ sẽ tạo sức bứt phá mới cho cả khu vực tư, khu vực công và tất nhiên cho cả nền kinh tế.

Lời giải thể chế

Trong hành trình đi đến sự phồn vinh của dân tộc, ông Lộc nhắc tới khu vực kinh tế tư nhân trong nước với sự kính trọng, dù đó là một hộ kinh doanh hay một tập đoàn đang làm nên hình ảnh mới cho nền kinh tế. Bởi ông cho rằng, sức dân sẽ quyết định mọi cuộc cách mạng, trong đó có kinh tế.

Ông hình dung hình ảnh của lực lượng quyết định “cuộc cách mạng kinh tế” thế nào?

Đó là một đội ngũ doanh nhân trí tuệ, sáng tạo, minh bạch.

Có người nói với tôi, nếu doanh nghiệp nào ngay từ đầu đã chú ý đến các yếu tố bền vững, chuyên nghiệp, doanh nghiệp đó sẽ tồn tại và phát triển. Một bộ phận doanh nghiệp tinh hoa của Việt Nam đã và đang đi theo hướng này, thúc đẩy thể chế hoàn thiện theo đúng thông lệ tốt nhất của thế giới, để họ có thể sánh vai với doanh nghiệp toàn cầu.

Cũng có một phận doanh nghiệp tận dụng sự chưa hoàn thiện của thể chế, tranh thủ kiếm lời trước mắt, nhưng trong xu thế phát triển, họ sẽ bị đào thải, hoặc phải tự nâng cấp, hoàn thiện mình.

Tất nhiên, sự thay đổi, hoàn thiện là nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng cũng cần động cơ để đi nhanh hơn.

Và lời giải là gì, thưa ông?

Là thể chế, thể chế và… thể chế. Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhiều lần đến điều này. Nhà nước phải tập trung làm thể chế, giải phóng sức dân, để kích thích tinh thần kinh doanh của người Việt.

Nghĩa là, phải làm thực chất những việc đang làm, như cắt giảm điều kiện kinh doanh, không thể để chi phí kinh doanh gấp đôi, gấp ba các nước, không để bôi nhưng không trơn. Nghĩa là, quản lý nhà nước phải tạo cơ hội cho ý tưởng mới, cách thức kinh doanh mới, không để doanh nghiệp đi tìm nơi ươm mầm.

Nhà nước phải tạo dư địa để chính quyền địa phương không ngần ngại sáng tạo mô hình quản lý mới…

Nền kinh tế thông minh cần quản lý nhà nước thông minh, không thể dùng tư duy may sẵn cho xu hướng may đo, cá thể hóa nhu cầu đang nổi lên.

Tin liên quan
Tin khác