Một số nhà đầu tư đã ký kết bảo mật thông tin với VAMC là: IFC, Fulcrum , Standard Chartered Bank, Jadara capital, Seven Seas Holding, Blackriver Asset Management, GIC, Yamaichi Securities, Vinacapital, VIC...
Mặc dù có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, song đến nay việc bán nợ cho các đối tác lớn vẫn đang bế tắc, do vướng mắc về cơ chế.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, từ khi thành lập (tháng 10/2013) đến nay, VAMC đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng.
Hầu hết các khoản nợ đã mua đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp…Trong đó, bất động sản với giá trị tài sản đảm bảo là 256 nghìn tỷ, chiếm tỷ lệ cao nhất 63,5%, tài sản trên đất là hơn 30.000 tỷ đồng (7,5%).
Tuy nhiên, công tác thu hồi nợ khá chậm. Tổng số nợ đã thu hồi được đến nay mới đạt gần 38.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là ủy quyền cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ. Mặc dù hầu hết khoản nợ có tài sản đảm bảo , song việc bán tài sản đảm bảo để thu nợ mới đạt gần 11.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,9%.
Theo ông Hùng, hiện VAMC đang gặp nhiều rút thắt. Đầu tiên là nút thắt nội tại, với nguồn lực hạn chế về con người và mạng lưới hoạt động, trong khi số lượng khoản nợ VAMC mua rất lớn (25.000 khoản), TSBĐ các khoản nợ xấu đa dạng, phân tán tại nhiều nơi nên VAMC chưa thể trực tiếp quản lý để nắm bắt được đầy đủ thực trạng các khoản nợ mua từ TCTD, việc tổ chức thực hiện xử lý tài sản để thu hồi nợ kém hiệu quả. Thứ hai, nguồn vốn của VAMC còn hạn chế và chưa phù hợp với yêu cầu xử lý nợ theo chức năng, nhiệm vụ của VAMC, đặc biệt trong công tác mua bán nợ theo giá trị thị trường. Việc xử lý nợ xấu của VAMC không thể triệt để và hiệu quả nếu không có dòng tiền thực sự để hỗ trợ các TCTD, khách hàng.
Bên cạnh đó, VAMC còn gặp nhiều nút thắt trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo, nhận bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tố tụng và thi hành án, cơ sở pháp lý vận hành thị trường mua bán nợ...
Do đó, ông Hùng đề nghị, cần xây dựng và thông qua một đạo luật xử lý nợ xấu hoặc có Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về xử lý nợ xấu, có giá trị trong thời hạn xử lý nợ xấu từ 3-5 năm.
Trường hợp chưa thể ban hành luật xử lý nợ xấu thì cần thiết lập tổ liên ngành bao gồm Bộ Công An, Viện kiểm soát, Tòa án, chính quyền địa phương tham gia cùng VAMC tổ chức thực hiện xử lý nợ xấu.