Cuối năm 1946, khi cuộc chiến tranh với thực dân Pháp là không thể tránh khỏi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi Võ Nguyên Giáp, tân Bộ trưởng Quốc phòng (thay thế luật sư Phan Anh), người cũng được Chủ tịch nước ủy quyền làm Tổng chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ: "Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc, Hà Nội có thể giữ được bao lâu?". Bộ trưởng Giáp đã tự tin trả lời: "Có thể giữ được một tháng!".
Với nỗ lực của trung đoàn thủ đô và các lực lượng tự vệ và nhân dân Hà Nội, quân đội Việt Nam non trẻ đã cầm chân được quân đội Pháp tới hai tháng tại thủ đô, trước khi bí mật rút khỏi thành phố để bước vào cuộc kháng chiến kéo dài tới 9 năm.
Năm 1950, trước khi mở chiến dịch Biên giới, Võ Nguyên Giáp, khi đó đã mang quân hàm Đại tướng, đã cân nhắc việc có chọn đột phá khẩu là thị xã Cao Bằng hay không. Ông viết trong hồi ký: "Trong tư tưởng của tôi từ trước, điểm đột phá trên chiến trường này phải là Đông Khê".
| ||
Sau khi quân đội Việt Nam đánh Đông Khê, quân Pháp từ Cao Bằng và Lạng Sơn kéo sang phản công cũng đã bị đánh bại.
Hai binh đoàn Le Page và Charton bị tiêu diệt hoàn toàn, toàn bộ tuyến biên giới Việt Trung từ Cao Bằng đến Đình Lập được giải phóng. Việt Nam dân chủ cộng hòa mở được cánh cửa giao lưu với các nước khối xã hội chủ nghĩa, từ đó nhận được những sự giúp đỡ to lớn để tạo dẫn tới chiến thắng Điện Biên 4 năm sau đó.
Trong chiến dịch Điện Biên, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định cực kỳ quan trọng, dẫn đến chiến thắng hoàn toàn cho quân đội Việt Nam, là chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".
Sau nhiều đêm thức trắng trăn trở, tại cuộc trao đổi với trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh sáng 26/1/1954, đúng ngày dự kiến mở màn chiến dịch, Tướng Giáp đã nói: "Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc'".
Sau khi nhận được sự đồng thuận của ông Vi Quốc Thanh, tại Hội nghị Đảng ủy mặt trận diễn ra sau đó, Tướng Giáp đã có câu kết luận lịch sử:
"Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới".
Về sau, trong hồi ức "Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, tướng Giáp đã thổ lộ: "Ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!".
Đánh giá về quyết định lịch sử này, tướng Lê Trọng Tấn, trong dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên, nói: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ". Còn tướng Vương Thừa Vũ nhận xét: "Nếu theo cách đánh cũ, thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể bị kéo dài thêm tới 10 năm".
Đánh thắng thực dân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng quân đội của ông không được nghỉ ngơi lâu, mà phải tiếp tục bắt tay vào cuộc chiến đấu với quân đội Mỹ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán khi tướng Giáp đến Việt Bắc báo cáo về chiến thắng Điện Biên.
Năm 1972, trong một chiến thắng vang đội khác của quân đội Việt Nam trước cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của quân đội Mỹ vào Hà Nội, được ví như một trận "Điện Biên Phủ trên không", tướng Giáp đã có chỉ thị nổi tiếng tới các đơn vị phòng không Hà Nội: "Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội".
Sau khi quân đội của tướng Giáp giành chiến thắng trên bầu trời Hà Nội, Mỹ đã phải ký hiệp định Paris, rút quân khỏi Việt Nam, tạo tiền đề cho những chiến thắng sau đó của tướng Giáp.
Trong những ngày cuối cuộc kháng chiến thứ hai của mình, Tướng Giáp đã cho đánh đi bức điện lịch sử gửi các đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, sáng 7/4/1975: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!"
Kết thúc hai cuộc chiến tranh, khi nhìn nhận lại về cuộc chiến chống Pháp và đối thủ của mình là tướng Navarre, tướng Giáp đã nói với nhà báo, đạo diễn người Pháp Daniel Roussel: "Navarre là một tướng có tài, thua trận không phải là lỗi của ông ta, mà là lỗi của những người bắt đầu cuộc chiến".
Trong cuộc gặp đầu tiên với đối thủ người Mỹ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1995, tướng Giáp cũng có rất nhiều câu nói rất đáng nhớ như: "Mỹ xâm lược Việt Nam là sai lầm. Mỹ không hiểu Việt Nam", "Chúng tôi biết là chúng tôi sẽ thắng ngay từ ngày đầu tiên”, hay "Từ 'lo sợ' không có trong tư duy quân sự của chúng tôi".
Đáp lại những lời ca tụng của báo chí phương Tây, ông nói: "Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình".
Nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã trao cho mình cấp hàm Đại tướng và quyền Tổng chỉ huy quân đội, trong hồi ký của mình, Tướng Giáp đã viết: "Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử".
Là một nhà quân sự, nhà giáo, nhà sử học, tướng Giáp luôn quan tâm đến lịch sử và thế hệ trẻ. Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Hội khoa học lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ 3, khóa III năm 1996 với tư cách Chủ tịch danh dự hội, ông trăn trở: "Tôi vẫn còn có điều băn khoăn và hơn thế nữa là sự lo lắng, đó là vì sao kiến thức lịch sử lại không phổ biến sâu rộng được trong quảng đại quần chúng, như là giới trẻ?".
Nói về nghiệp cầm quân của mình, Tướng Giáp thổ lộ: "Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường".
Là một vị tướng trọn đời vì đất nước, vì nhân dân, khi được chúc mừng nhân dịp bước sang tuổi 100, tướng Giáp nói: "Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó".
Tiên Long (VnExpress)