Thời sự
Những trăn trở, lo âu từ diễn đàn Quốc hội
Mạnh Bôn - 22/11/2013 09:27
Phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XIII đã kết thúc với trăn trở của cả hệ thống chính trị, lẫn cử tri cả nước về một loạt vấn đề lớn.

Đó là sự an toàn tài sản, tính mạng của người dân; là bộ máy quản lý nhà nước kém hiệu quả; là môi trường văn hóa, thông tin xuống cấp trước sự bùng nổ của thông tin trên Internet; là oan sai trong xét xử…

Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội được đặt ra và cần có câu trả lời từ thực tiễn. Ảnh: Đức Thanh

Giữa Kỳ họp thứ sáu, cử tri cả nước đã “thở phào” nhẹ nhõm trước thông tin Chính phủ quyết định loại khỏi quy hoạch 405 dự án thủy điện và 172 vị trí tiềm năng thủy điện nhỏ do tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Song những thông tin được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đưa ra tại phiên chất vấn về hồ thủy lợi lần này lại khiến người dân “đứng ngồi không yên”.

Làm sao mà yên tâm được khi cả nước còn tới 1.200/6.800 hồ thủy lợi đã “lên lão”, đứng trước nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào.

Câu hỏi đặt ra là từ năm 2003 đến nay, mỗi năm Chính phủ huy động hàng chục ngàn tỷ đồng (năm 2013 huy động 54.000 tỷ đồng, năm 2014 huy động 100.000 tỷ đồng) đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông, y tế, giáo dục, song vẫn còn tới 1.200 hồ thủy lợi đang được ví như “quả bom nước” treo trên đầu người dân khi bão lũ xảy ra.

Thủ tục hành chính được coi là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội. Không phủ nhận kết quả cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những năm vừa qua. Nhưng cũng không thể phủ nhận tiến trình cải cách thủ tục hành chính đang chậm dần và có nguy cơ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, bởi nhân lực được giao trọng trách cải cách thủ tục hành chính - công chức - hầu như chưa có sự biến chuyển tích cực.

Chưa nói tới bộ máy công chức ngày một phình ra (năm 2013 tăng gần 36.000 người so với năm 2007) cho dù Việt Nam là một trong những quốc gia “tin học hóa” nền hành chính mạnh nhất trên thế giới, chỉ nói tới chất lượng công chức, như con số được Đại biểu Quốc hội, ông Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) công bố là có tới hơn 64.000 công chức chưa qua đào tạo, cũng khiến cử tri trăn trở về chất lượng phục vụ của nhiều cơ quan công quyền.

Bao nhiêu phần trăm trong số công chức hiện nay “ngồi chơi xơi nước” là câu hỏi canh cánh với người đứng đầu ngành nội vụ? Nhưng cứ như ước tính của Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, ông Chu Sơn Hà và nhiều đại biểu khác, thì con số này ít nhất cũng phải 30%. Nếu con số trên là chính xác thì bộ máy hành chính hiện thừa khoảng 700.000 người (kể cả công chức xã). Như vậy, hàng năm, cả nước phải bỏ ra 17.000 tỷ đồng tiền thuế để “nuôi báo cô” - đúng với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – 700.000 công bộc.

Sự phát triển thông tin truyền thông đã và đang đem đến cho người dân nguồn thông tin phong phú, đa dạng, kịp thời, góp phần minh bạch hóa quản lý xã hội. Tuy nhiên, phía sau sự phát triển ấy là sự mối đe doạ an ninh, trật tự xã hội, do chưa quản lý được thông tin thất thiệt, thiếu khách quan, vi phạm thuần phong mĩ tục, phản cảm, thậm chí gây chia rẻ khối đoàn kết dân tộc vì mục đích trục lợi trên các trang mạng xã hội.

Trách nhiệm nâng cấp, bảo dưỡng hồ thủy lợi không chỉ thuộc về ngành nông nghiệp, mà còn của chính Quốc hội, vì trước mắt để gia cố 200 hồ thủy lợi xuống cấp nhất, cần phải đầu tư ít nhất 3.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn, 3.000 tỷ đồng là khoản tiền lớn, nhưng so với sự an nguy tính mạng, tài sản của hàng chục triệu người dân thì khoản tiền này rất nhỏ. Quốc hội cần phải ra quyết sách ngay nếu không sẽ quá muộn.

Việc tìm ra công chức nào không cần thiết cho bộ máy công quyền quả là phức tạp và nhạy cảm. Nhưng không thể vì phức tạp, nhạy cảm mà cản trở tiến trình cải cách thủ tục hành chính, cản trở sự phát triển của xã hội. Mệnh lệnh của cuộc sống, của cử tri, của Quốc hội đã đặt ra không chỉ cho ngành nội vụ, mà của tất các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải tinh giản bộ máy.

Không thể đi ngược lại sự phát triển công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão, nhưng người dân cũng không thể yên tâm khi hàng ngày, con em họ tiếp cận với không ít thông tin vô bổ, phản cảm, thậm chí độc hại… Mệnh lệnh của cuộc sống đặt ra không chỉ với ngành thông tin truyền thông, mà với mọi cấp, mọi ngành nhằm xây dựng một nền kinh tế bền vững, một xã hội ngày càng văn minh, thịnh vượng.

Tin liên quan
Tin khác