Thời sự
Vì sao Bộ giảm, Tổng cục và Cục phình to?
Hà Tâm - 20/11/2013 11:34
Trong phần trả lời chất vấn sáng nay (20/11), cách trả lời lúng túng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trước hàng loạt câu hỏi hóc búa về chất lượng cán bộ công chức, tinh giảm biên chế, trách nhiệm của Bộ trưởng… khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng liên tục nhắc nhở, còn các đại biểu quốc hội nhiều lần tủm tỉm cười.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình

Bộ trưởng nghiên cứu thế đủ rồi

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình sáng nay, đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) đặt câu hỏi tại sao chế độ phụ cấp tiền lương chỉ cho công chức, mà viên chức không được hưởng dù cùng công việc như nhau, cùng môi trường công tác.

Tiếp đó, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) chất vấn về công tác cán bộ cho người dân tộc thiểu số, vấn đề bố trí việc làm cho học sinh người dân tộc thiểu sổ sau khi học cử tuyển, lý do tại sao 2 năm Nghị quyết 05 của Chính phủ ban hành mà Bộ Nội vụ chưa ban hành văn bản hướng dẫn…

Trả lời câu hỏi đầu tiên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình giải thích dài dòng về khó khăn của ngân sách và Đề án cải cách tiền lương khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sốt ruột ngắt lời: “Câu hỏi của đại biểu đơn giản thôi, là tại sao chế độ phụ cấp công vụ chỉ có công chức mà không có viên chức, có phải viên chức có bị bỏ rơi, chứ Đề án cải cách tiền lương thì còn lâu dài.Về vấn đề này, công chức thì có phụ cấp công vụ, còn viên chức thì hưởng lương sự nghiệp nên không có phụ cấp, thế thôi”.

Vẫn tiếp tục đà giải thích của mình, Bộ trưởng nói thêm, Chính phủ đang nghiên cứu xây dựng các chế độ phụ cấp và sẽ lưu ý kiến nghị của đại biểu Quốc hội để bổ sung vào Đề án cải cách tiền lương, tiền công, phụ cấp thời gian tới.

Riêng câu hỏi của Đại biểu Danh Út, Bộ trưởng nêu rất nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số, song không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà liên tục khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, sẽ có hướng dẫn, sẽ phối hợp với các bộ để giải quyết… khiến nhiều đại biểu phì cười.

Không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Danh Út nhấn nút đặt lại câu hỏi, yêu cầu Bộ trưởng trả lời tại sao học sinh vùng dân tộc thiểu số học xong hệ cử tuyển lại không được bố trí việc làm. Về việc Nghị quyết 05, đại biểu Danh Út gay gắt nói: “Tôi thấy hai năm nghiên cứu là đủ rồi, đê nghị Bộ trưởng nói khi nào thì ban hanh, đồng bào không thể chờ”.

Trước truy vấn gắt gao của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn Nghị quyết 05 là thiếu sót của Bộ và sẽ bắt tay vào soạn thảo, ban hành ngay trong năm 2014. Liên quan đến bố trí công việc cho học sinh chế độ cử tuyển, Bộ trưởng cho rằng, đây là phần việc của các chính quyền địa phương.

30% công chức hiệu quả kém và trách nhiệm Bộ trưởng

Trong buổi chất vấn sáng nay, câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra nhất với Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình là chất lượng công chức.

Dẫn lời nhận xét của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP.HCM) chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tình trạng 30% công chức làm việc không có hiệu quả.

Về vấn đế này, Bộ trưởng “đính chính”, con số 30% là Phó thủ tướng nói “dư luận cho rằng” chứ không phải là khẳng định của Phó thủ tướng. Về vấn đề này, quan điểm của Bộ Nội vụ là ghi nhận những đòi hỏi, mong muốn cần đổi mới mạnh mẽ hơn về công vụ, công chức.

Ý thức được điều này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án cải cách cán bộ công chức từ nay đến 2015.

Không thỏa mãn với phần trả lời này, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) lật lại vấn đề khi chất vấn rằng, nếu con số mà dư luận đề cập (30%) không chính xác, thì con số cán bộ công chức làm việc hiệu quả là bao nhiêu. Còn nếu con số này là đúng, tương ứng với 700.000 công chức làm việc không hiệu quả thì có nghĩa mỗi năm cả nước tốn 17.000 tỷ đồng vô ích, vậy giải pháp của Bộ Nội vụ ra sao?

Về câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, chưa có cơ sở để khẳng định tỷ lệ cán bộ công chức làm việc chưa hiệu quả là bao nhiêu. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện các quy định, văn bản về đánh giá chất lượng cán bộ công chức, viên chức để đưa vào sử dụng thời gian tới.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, chất lượng cán bộ công chức hiện nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng phải gánh một phần trách nhiệm.

Bộ giảm, Tổng cục và Cục phình to

Trong khi một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức hoạt động không hiệu quả thì đáng lo là bộ máy Nhà nước lại đang phình to ra.

Đại biểu Phạm Vănh Hổ (Phú Yên) và đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) cũng nêu lên lo ngại là dù chủ trương tinh giảm biên chế, song công chức năng nào cũng tăng. Số bộ, ngành tuy giảm, song số lượng cục, Tổng cục lại tăng thêm, số lượng công chức, viên chức phình to ra. Đại biểu Hổ cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm Bộ trưởng trong vấn đề này.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận, nhiệm kỳ vừa qua, số Bộ đã giảm xuống, nhưng số Tổng cục và cục đã tăng lên khá nhiều. Cụ thể, đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, cả nước có 22 Tổng cục và đơn vị tương đương thì đến cuối nhiệm kỳ, con số này lên tới 42. Tương tự, Cục và đơn vị tương đương, đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII là 82, giờ tăng 110.

Bộ trưởng lý giải, nguyên nhân Cục, Tổng cục phình to chủ yếu là do nhu cầu phát triển các ngành, các lĩnh vực, cần có thêm bộ máy chuyên sâu để thực hiện nhiệm vụ.

Về tinh giảm biên chế, theo báo cáo của Bộ trưởng, trong 5 năm qua (2007-2012), đội ngũ công chức tăng hơn 15%, viên chức tăng 25,59%. Số công chức tăng chủ yếu cho các đơn vị mới thành lập, hoặc đơn vụi cũ nhưng bổ sung chức năng nhiệm vụ. Một số lĩnh vực tăng mạnh công chức thời gian qua là môi trường đất đai, biển và hải đảo, du lịch, ngoại vụ, dân số, quản lý thị trường, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, thanh tra lao động, thuế, hải quan, kiểm lâm, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế dự phóng quản lý dược, quản lý bảo hiểm y tế và một số địa phương được chia tách.

Trước bức xúc của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định, để tinh giảm biên chế, lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng khẳng định, trước mắt, từ nay đến năm 2016, về cơ bản, không tăng thêm biên chế công chức, trừ trường hợp thành lập mới các cơ quan đơn vị được các cấp thẩm quyền cho phép.

Hiện Bộ Nội vụ cũng đang chuẩn bị trình Bộ Chính trị đề án tinh giản biên chế (dự kiến trong IV/2013). Bên cạnh đó, thời gian tới, Chính phủ cũng chủ trương không chia tách đơn vị hành chính.

Tin liên quan
Tin khác