| ||
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) phát biểu tại Quốc hội sáng nay |
Không thể chấp nhận thủy điện xả lũ không báo trước
Bức xúc trước thảm cảnh tang thương vì bão lũ ở miền Trung, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) thẳng thắn quy trách nhiệm cho thủy điện.
"Thủy điện giữ nước lại để kiếm vài tỷ đồng, trong khi lũ về thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Sao không xả nước từ trước khi bão về? Nếu thủy điện nào không làm thì có thể truy trách nhiệm. Vì lợi ích nhỏ của thủy điện mà để thiệt hại lớn thế là không được", ông Đương nhấn mạnh. Trước tình trạng này, ông Đương cho rằng, cần đưa ra xử lý hình sự một số trường hợp để răn đe.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) dẫn lại con số thiệt hại do bão lũ gây ra mỗi năm lên tới 1,5% GDP và cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thiệt hại do bão lũ gia tăng là do thủy điện xả lũ không báo trước.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên, tính đến hôm nay (19/11), đợt mua lũ lớn sau cơn bão số 15 đã khiến 410 ngôi nhà bị đổ sập, cuốn trôi, 1.271 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, hơn 425.00 ngôi nhà bị ngập sâu, hàng ngàn hecta lúa, hoa màu bị thiệt hại. Đau thương nhất là cơn bão, lũ này đã cướp đi sinh mạng của hơn 40 người dân.
Người dân các địa phương khẳng định, việc các nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ là nguyên nhân chính gây ra lũ lớn. Tuy nhiên, các nhà máy thủy điện lẫn Bộ Công thương đều cho rằng, không có nhiều nhà máy thủ điện xả lũ. Chưa có con số báo cáo cụ thể, song chắc chắn rằng, cơn “đại hồng thủy” vừa qua ở miền Trung và Tây Nguyên chắc chắn một phần trách nhiệm thuộc về các nhà máy thủy điện.
“Không thể chấp nhận thủy điện xả lũ không báo trước. Giờ đang tranh cãi việc thủy điện có báo cho địa phương hay không. Vấn đề này, tôi đề nghị phải điều tra, xử lý hình sự. Phải xử lý thật nghiêm một số trường hợp để răn đe. Không thể để người dân thiệt hại về cả tính mạng, của cải mà không ai bị xử lý”, đại biểu Nguyễn Văn Phúc kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cũng cho rằng, thủy điện thời gian qua còn quá coi nhẹ sinh mạng người dân.
Giải pháp trên giấy, trách nhiệm đùn đẩy
Bên cạnh yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự của các nhà máy thủy điện xả lũ không đúng quy trình, gây thiệt hại lớn cho người dân. Tại phiên họp sáng nay, các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phát biểu: “Ở kỳ họp thứ 3 và 4, Nghị quyết của Quốc hội đều yêu cầu Bộ Công thương ban hành chính sách cho đồng bào nghèo vùng tái định cư thủy điện trong năm 2013, tuy nhiên, Bộ vẫn chưa có chính sách nào cho người dân. Đáng buồn hơn, tại kỳ họp này, khi tôi chất vấn bằng văn bản, Bộ Công thương lại cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp. Không hài lòng, lần thứ hai tôi gửi chất vấn tới Bộ trưởng Công thương, và câu trả lời vẫn là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp. Đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương", đại biểu Nguyễn Thái Học bức xúc.
Trước đó, khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về quy hoạch thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng khá vòng vo khi cho rằng, quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay Bộ Công thương. Và rằng, từ năm 2006 trở lại đây, theo phân cấp thì tất cả quy hoạch thủy điện nhỏ đều giao về cho các địa phương phê duyệt.
Liên quan đến chính sách tái định cư cho hộ nghèo tại các công trình thủy điện, do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đi công tác nước ngoài, sáng nay Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã trả lời trước Quốc hội.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công thương tiến hành khảo sát, rà soát công tác di dân, tái định cơ các công trình thủy điện và đã có báo cáo gửi các ủy ban của Quốc hội. Trên cơ sở khảo sát này, Bộ cũng đang trình Chính phủ các giải pháp, chính sách ổn định đời sống người dân tái định cư (dự kiến ban hành tháng 12 tới).
Hà Tâm