| ||
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải |
Nhiều hồ chứa nước cho DATĐ được ví như “quả bom nước” treo trên đầu hạng triệu người dân. Phó thủ tướng bình luận gì về nhận định này?
Nước ta có hơn 3.450 hệ thống sông, suối lớn nhỏ, tiềm năng thủy điện khá lớn với tổng công suất khoảng 35.000 MW và điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm nhưng chỉ có thể khai thác được khoảng 26.000 MW (khoảng 100 tỷ kWh/năm).
Đây là tài nguyên quý giá của quốc gia, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác hợp lý.
Việc phát triển hồ thủy điện rất cần thiết vì mặc dù có nguồn tài nguyên nước khá lớn, nhưng trên thực tế, Việt Nam là quốc gia thiếu nước, nếu muốn đủ nước cho sản xuất, cho sinh hoạt; cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ thì không còn cách nào khác là vẫn phải tiếp tục phát triển hồ chứa nước thủy điện.
Vấn đề là phải kết hợp 3 mục tiêu trong việc xây dựng hồ chứa nước thủy điện (ngăn hạn, chống lũ và phát điện).
Nhưng khi thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện có quá nhiều hồ chứa nước thiếu an toàn?
Câu hỏi đặt ra là nếu bỏ hồ chứa nước đi thì lấy gì điều hòa nước, tích nước vào mùa khô, chống lũ lụt vào mùa mưa bão và lấy gì phát điện để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Nếu bỏ hồ chứa nước đi thì rất nhiều địa phương bị thiết nước cho sản xuất, sinh hoạt. Bởi trên thực tế, nếu không có hồ chứa nước thì ngay sau khi mưa bão, nước sẽ đổ hết ra biển, toàn bộ mực nước ngầm bị giảm rất xuống rất sâu nên muốn có nước cho sinh hoạt tối thiểu, chứ chưa nói đến lấy nước phục vụ tưới tiêu, sản xuất công nghiệp, người dân càng ngày càng phải đào sâu xuống lòng đất để lấy nước.
Trên phương diện khoa học và kinh tế, chúng ta phải đánh giá đúng mức lợi ích cũng như tác hại của của thủy điện, cái gì tác hại thì phải có biện pháp để giảm thiểu, cái gì có lợi thì phát huy trên tinh thần cùng chung sống với thiên nhiên để phát triển bền vững.
Vậy các bộ ngành đã làm gì trong vấn đề quy hoạch thủy điện với phương châm chung sống với thiên nhiên, thưa Phó thủ tướng?
Trên cơ sở rà soát quy hoạch thủy điện năm 2012 của Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý loại khỏi quy hoạch 117 DATĐ (617,65 MW) và không xem xét bổ sung vào quy hoạch 156 vị trí tiềm năng thủy điện (335 MW). Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá các DATĐ và báo cáo kịp thời, đầy đủ theo yêu cầu của Bộ Công thương.
Trong những tháng đầu năm 2013, Bộ Công thương và các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện, kiến nghị và đã được Thủ tướng chấp thuận loại khỏi quy hoạch tổng số 405 DATĐ với tổng công suất 1.247,6 MW, trong đó có 2 DATĐ bậc thang (118 MW) và 403 DATĐ nhỏ (1.128,8 MW); không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện nhỏ (375,7 MW).
Tôi muốn nói thêm rằng, tất cả các DATĐ, vị trí tiềm năng được loại bỏ này đều thuộc đối tượng hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội.
Như vậy, thông điệp của Chính phủ về việc loại bỏ các DATĐ kém hiệu quả tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội là rất rõ ràng?
Để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, bảo đảm có đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng, bảo đảm chống hạn vào mùa khô, chống lũ vào mùa mưa bão, ngoài loại bỏ khỏi khỏi quy hoạch các DATĐ như tôi nói, Chính phủ còn kiên quyết xử lý bất cứ chủ đầu tư DATĐ nào có trong quy hoạch thiếu trách nhiệm gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Các chủ đầu tư phải luôn nhớ nằm lòng rằng, xây dựng hồ chứa nước thủy điện không phải là trò chơi, phải có trách nhiệm tối đa với hồ thủy điện vì nước đứng đầu trong 4 mối nguy hiểm lớn cho đời sống của người dân (thủy - hỏa - đạo - tặc).
Và như vậy, người dân hoàn toàn yên tâm với các DATĐ có trong quy hoạch, thưa Phó thủ tướng?
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân thì phải có quy trình vận hành hồ chứa nước. Nhưng tôi cũng nói thêm rằng, mỗi hồ chứa nước có quy trình vận hành riêng và quy trình vận hành hồ chứa nước, cả hồ thủy điện, hồ thủy lợi cũng như hồ đa chức năng không phải là cái gì tuyệt đối ngay khi xây dựng, mà trong quá trình vận hành sẽ phát hiện ra những khiếm khuyết, hạn chế, bất hợp lý nên phải điều chỉnh dần dần.
Tuy nhiên, để hạn chế tối đa tác hại mà hồ chứa nước có thể gây ra, theo quy định, tất cả các chủ DATĐ phải kiểm tra định kỳ, đột xuất để đảm bảo tối đa độ an toàn của hồ chứa nước.
Trước mùa mưa bão, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, chính quyền địa phương các cấp nơi có hồ chứa nước phải tiến hành kiểm tra tình trạng hồ, đánh giá mức độ an toàn tối đa mới cho tích nước…
Mạnh Bôn