Cụ thể, chỉ số USD-Index đã tăng từ 98,63 điểm lên 101,34 điểm, tức là tăng 2,71 điểm, hay tăng 2,75%. Chỉ số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, do dòng vốn trên thế giới đang được hút vào USD, vào Hoa Kỳ. Hơn nữa, lãi suất USD sau 7 năm ở mức thấp gần như bằng 0, cuối năm trước chỉ tăng nhẹ, được dự báo sẽ tăng lên trong tháng 12 tới và sau đó, với mức cao hơn, dày hơn.
Tỷ giá VND/USD đã tăng từ 22.370 đồng/USD lên 22.690 đồng/USD, tức là tăng 320 đồng/USD, hay tăng 1,43%, cũng có nghĩa là VND đã giảm giá 1,43% so với USD. Có hai vấn đề được đặt ra:
. |
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 10 tháng năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là 31,555 tỷ USD, chiếm 21,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước - cao gấp đôi tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu VND giảm giá so với USD, thì xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ có lợi do giá cả tính bằng USD rẻ hơn trước; nhập khẩu từ Hoa Kỳ sẽ hạn chế hơn trước do giá cả tính bằng VND đắt hơn. Xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 10 tháng đạt 24,691 tỷ USD, tăng khá cao so với mức xuất siêu trong cùng kỳ năm trước (20,998 tỷ USD).
Tuy nhiên, tốc độ giảm giá VND so với USD thấp chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của USD-Index. Theo đó, tỷ giá VND/USD sẽ còn tăng do tác động của 4 yếu tố: tốc độ giảm giá của VND thấp hơn tốc độ tăng của giá USD; giá USD được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trên thị trường thế giới; lãi suất USD được dự đoán sẽ tiếp tục tăng; tốc độ giảm giá so với USD của VND cũng còn thấp hơn của một số đồng tiền khác của nhiều nước, nhất là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong 10 tháng năm 2016, xuất khuẩu sang thị trường này đạt 17,312 tỷ USD, chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng tới 24% so với cùng kỳ. Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong 10 tháng đạt 40,238 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giảm 1,2% so với cùng kỳ.
Mặc dù nhập siêu 10 tháng năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước (22,927 tỷ USD so với 26,855 tỷ USD), nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam; nếu kể cả tiểu ngạch thì mức nhập siêu còn lớn hơn nữa. Tỷ giá nhân dân tệ (NDT)/USD tăng từ 6,777 NDT/USD lên 6,8792 NDT/USD, tức là tăng 0,1022 NDT/USD; hay tăng 1,51%. Điều đó có nghĩa là giá NDT giảm so với giá USD; nhưng tốc độ giảm của giá NDT còn thấp hơn tốc độ tăng của giá USD.
Theo đó, đã có dự đoán NDT/USD sẽ còn tăng lên nữa (hay giá NDT sẽ còn giảm so với USD nữa) do tác động của 4 yếu tố: tốc độ tăng NDT/USD thấp hơn tốc độ tăng của USD-Index, nếu không giảm giá NDT xuống nữa thì xuất khẩu và xuất siêu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ sẽ giảm về quy mô (hiện Trung Quốc xuất siêu sang Hoa Kỳ lên tới 300 tỷ USD); giá USD được dự báo sẽ còn tăng trên thị trường thế giới; lãi suất đồng USD được dự báo sẽ tăng; để ngăn chặn dòng vốn đang chạy khỏi Trung Quốc, làm giảm đầu tư và dự trữ ngoại hối (dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm mạnh từ đỉnh điểm gần 3.900 tỷ USD vào năm 2014, hiện chỉ còn trên 3.120 tỷ USD).
Tỷ giá VND/NDT đã giảm từ 3.346 đồng/NDT xuống còn 3.326 đồng/NDT, tức là giảm 20 đồng/NDT, hay giảm 0,6%. Điều đó có nghĩa là giá VND tăng so với giá NDT. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn do NDT giảm giá so với VND (người xuất khẩu thu được ít NDT hơn). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam sẽ tăng lên do giá nhập rẻ hơn trước (bỏ ra ít VND hơn so với trước để nhập hàng của Trung Quốc).
Ngoài nguyên nhân về tỷ giá trực tiếp như trên, còn có một số yếu tố khác tác động, trong đó có yếu tố “bị vạ lây”, khi hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị giảm, thì Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi để hàng Trung Quốc tràn sang. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng trở lại cả về chính ngạch và tiểu ngạch.