Du lịch
Nhượng quyền thương hiệu du lịch - mảnh đất màu mỡ
Hồ Hạ - 28/06/2022 16:39
Nhượng quyền thương hiệu du lịch được xem là mảnh đất màu mỡ cho cả “ông lớn” lữ hành và những ai muốn kinh doanh, khởi nghiệp với ngành kinh tế xanh.
Lễ ký kết nhượng quyền thương hiệu du lịch Wondertour Nam Định.

Nhu cầu khởi nghiệp du lịch bùng nổ

Ngành kinh tế xanh đang phục hồi mạnh mẽ sau “sóng thần” Covid-19. Kinh doanh lữ hành giờ đây không đơn thuần là bán tour trọn gói hay bán combo, tổ chức sự kiện, mà mô hình thời thượng nhượng quyền thương hiệu du lịch cũng bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc.

Ông Lê Công Năng, CEO Wondertour cho biết, trước đại dịch, một số công ty lữ hành lớn đã triển khai mô hình nhượng quyền thương hiệu du lịch. Tuy nhiên, sau 4 đợt Covid-19, hầu hết các mô hình nhượng quyền đã tạm dừng hoặc tan rã. Tại một số doanh nghiệp lớn chủ yếu duy trì mô hình chi nhánh và văn phòng giao dịch. Song, hậu Covid-19, nhu cầu khởi nghiệp về du lịch đang bùng nổ, do đó, ngay khi triển khai mô hình nhượng quyền, Wondertour đã thu hút được nhiều nhà đầu tư.

“Khởi động mảng nhượng quyền chưa lâu, nhưng Wondertour đã hợp tác với 6 đối tác mở thương hiệu Wondertour tại Sài Gòn, Đà Nẵng, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên… Hiện chúng tôi đã nhận được hơn 50 bộ hồ sơ đăng ký làm đối tác nhượng quyền ở trong và ngoài nước”, CEO Wondertour chia sẻ.

Nhượng quyền thương hiệu du lịch được cho là "mảnh đất màu mỡ" nhưng không dễ canh tác.

Thực tế, phương thức kinh doanh nhượng quyền có thể giúp các “ông lớn” hay doanh nghiệp lữ hành sở hữu thương hiệu mạnh mở rộng tệp khách hàng, đạt doanh số cao, lợi nhuận khủng trên nền tảng nguồn lực đã có mà không cần đầu tư quá nhiều.

Nhà khởi nghiệp cũng không cần bỏ ra nhiều chi phí đầu tư cơ sở vật chất, tuyển nhiều nhân sự, hay phải có hành trình dài xây dựng một doanh nghiệp vô danh trở nên có thương hiệu. Họ lập tức được khai thác tên tuổi, uy tín của một thương hiệu lữ hành đã có vị thế trên thương trường.

Cùng với đó, đối tác sẽ được bên nhượng quyền cung cấp, chuyển giao đầy đủ cách thức hoạt động, trợ giúp trong quá trình điều hành công việc kinh doanh. Chuỗi hệ thống được giám sát chặt chẽ theo mô hình chuẩn và chuyên nghiệp. Đặc biệt, với uy tín sẵn có từ thương hiệu nhượng quyền, đơn vị được nhượng quyền sẽ có ngay sản phẩm đa dạng, đảm bảo chất lượng.

Mô hình ưu việt, nhưng không dễ

Theo ông Lê Công Năng, mô hình nhượng quyền thương hiệu du lịch được xem là ưu việt với những ai muốn khởi nghiệp lữ hành.

Khi là đối tác nhượng quyền, doanh nghiệp vẫn đảm bảo pháp nhân, được mang tên của công ty nhượng quyền theo khu vực. Nhà đầu tư chỉ cần tập trung phát triển thị trường, còn lại toàn bộ các công việc khác như điều hành, thiết kế sản phẩm, báo giá… sẽ do công ty tổng lo hết và lập tức có lợi nhuận.

Nhiều chuyên gia có chung quan điểm, Chính phủ, ngành du lịch, các địa phương cần khuyến khích những công ty du lịch lớn và uy tín thực hiện mô hình nhượng quyền. Nếu các công ty du lịch lớn triển khai mô hình này thì ngay lập tức, du khách tại các địa phương sẽ dễ dàng được tiếp cận với những dịch vụ du lịch uy tín từ các thương hiệu mạnh.

Dù có những ưu việt kể trên, song các doanh nghiệp lữ hành lớn cũng thừa nhận, mảnh đất nhượng quyền thương hiệu du lịch không dễ “canh tác”. Theo CEO Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên, trong bối cảnh thiếu nhân sự du lịch trầm trọng như hiện nay, khi mở rộng đối tác, thị trường, nhu cầu đổ về tổng công ty rất lớn, đòi hỏi đội ngũ làm nghề đông đảo, có kinh nghiệm chuyên môn sâu mới phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng.

"Mặt khác, công ty nhượng quyền phải liên tục có sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách và năng lực truyền thông tốt để dẫn dắt chuỗi hệ thống. Nếu không đảm bảo những điều này, việc phát triển đơn vị ủy quyền thương hiệu sẽ trở thành “con dao hai lưỡi”", ông Tuyên nói.

Ở chiều ngược lại, đơn vị được ủy quyền thương hiệu không được toàn quyền điều hành về thương hiệu du lịch như chủ sở hữu thương hiệu. Cũng có trường hợp khi tham gia vào kinh doanh sẽ gặp khó khăn nhất định từ vấn đề cạnh tranh ở trong chuỗi. Bên cạnh đó, tính sáng tạo là điều mà đối tác nhượng quyền khó triển khai do phải làm theo các quy định và quy chuẩn từ chủ nhượng quyền đưa ra ngay từ ban đầu.

Theo các chuyên gia, khi mức độ cạnh tranh ngày càng cao, các hãng lữ hành lớn, chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế dẫn dắt cho cả ngành du lịch, thì hình thức nhượng quyền sẽ phổ biến hơn. Việc nhượng quyền không chỉ ở chiều doanh nghiệp muốn mua thương hiệu, mà ngay cả doanh nghiệp đã có thương hiệu cũng buộc phải đầu tư thêm nguồn lực, mở rộng thị trường và tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở những thị trường mới.

Tin liên quan
Tin khác