Doanh nghiệp
Niềm tin kinh doanh tiếp tục đầy lên
Bảo Duy - 10/02/2018 09:08
Doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm hẳn sẽ có một năm kinh doanh hanh thông. Gánh nặng chi phí tiền bạc, thời gian và cả tâm lý mà họ phải đợi cả tháng để xin xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm chính thức được Thủ tướng Chính phủ gỡ bỏ.

Từ tháng 2/2018, theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn (ngoại trừ 3 nhóm phụ gia, thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em dưới 36 tháng và thực phẩm bổ trợ) trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang web hoặc niêm yết công khai tại trụ sở.

Với các sản phẩm chỉ dùng để chế biến cho xuất khẩu hay tiêu thụ nội bộ, thủ tục này được miễn. Đặc biệt, các hình thức quản lý nhà nước đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, phân quyền nhiều hơn cho cấp địa phương...

.

Điều đáng nói là sự hanh thông đầu năm này sẽ không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thông điệp hành động “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả” tới bộ máy quản lý nhà nước và chính quyền địa phương.

Cùng với đó, yêu cầu cắt giảm từ 1/3 đến một nửa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong phạm vi quản lý của các ngành, địa phương đang được không chỉ Chính phủ, mà cả doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp theo sát. Niềm tin chung về một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi đang được từng bộ phận của nền kinh tế vun đắp.

Nhưng cần phải nhắc lại, không phải mọi con đường cải cách đang được trải thảm đỏ. Trong các báo cáo thực hiện các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh năm 2017, số các bộ, ngành, địa phương được nhắc tới trong phần thực hiện chưa tốt còn khá nhiều. Có những cái tên tiếp tục được nhắc lại.

Ngay hành trình kiến nghị, vận động sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm kéo dài suốt từ năm 2016 cũng rất gập ghềnh. Chỉ vài tháng trước, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, các hiệp hội doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là 11 hiệp hội, đơn vị trực tiếp đề xuất các phương án sửa đổi không thể ngờ có một kết quả thành công đến vậy, cho dù họ đã đưa ra những ví dụ thực tiễn gây chấn động, như chiếc bánh socola cõng 13 giấy phép; hay hộp sữa chua, miếng pho-mát phải chịu sự quản lý và kiểm tra chuyên ngành của hai bộ, vừa phải kiểm dịch động vật, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm... Các cuộc làm việc giữa Bộ Y tế và doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp luôn căng thẳng, bất đồng. Thậm chí, nhiều lời hứa của lãnh đạo bộ này đã không được thực hiện ngay sau đó.

Mọi việc chỉ được giải quyết khi Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo, Tổ công tác của Thủ tướng giám sát từng bước trong suốt quý IV/2017.

Rõ ràng, áp lực kỷ luật hành chính vẫn đang là chìa khóa buộc các bộ, ngành địa phương không thể chần chừ trong thực thi các kế hoạch cải cách môi trường kinh doanh, cam kết giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Nhưng, nếu từng lãnh đạo bộ, ngành, địa phương không thực sự coi mình là người trong cuộc của công cuộc cải cách, thì chặng đường đi đến đích sẽ rất khó khăn, tốn kém...

Năm mới Mậu Tuất đang đến gần, Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả” đang hành động quyết liệt, làm đầy lên niềm tin kinh doanh. Và cơ hội mới của nền kinh tế đổi mới, hội nhập sâu rộng đang mở rộng với giới kinh doanh, đầu tư, cho cả những người đang ấp ủ tinh thần khởi nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác