Doanh nghiệp
Nike chưa chuyển đơn hàng dệt may, da giày nào khỏi Việt Nam
Thị Hồng - 16/11/2021 17:56
Đây là thông tin vừa được ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS chia sẻ tại Họp báo giới thiệu Cotton Day Vietnam 2021 - Diễn đàn đặc biệt về bông bền vững ở TP.HCM.

Ông Vũ Đức Giang khẳng định thông tin Nike và Adidas chuyển nhà máy ra khỏi Việt Nam hồi tháng 8 và tháng 9 vừa qua là không chính xác. 

“Tính đến thời điểm tháng 10, khi nước ta mở cửa trở lại, ở Tổng công ty May Việt Tiến, nhãn hàng Nike cũng chưa chuyển đơn hàng nào đi, bởi không chọn được nhà sản xuất đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của họ về thời gian, chất lượng, hệ thống đánh giá như ở Việt Nam", ông Giang nói.

Theo vị này, trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, doanh nghiệp dệt may Việt Nam không đáp ứng được tiến độ giao hàng, nên đã có một số đơn hàng được yêu cầu giao trong tháng 11 và tháng 12 được chuyển sang địa điểm khác sản xuất (ước tính khoảng 13%-14%).  

Các doanh nghiệp trong ngành dệt may nội địa đang đẩy nhanh quá trình phục hồi sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng vì đại dịch (Ảnh minh hoạ: MSH).

Theo VITAS, đã có dấu hiệu các đơn hàng quay lại (niên vụ 2022) kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về kiểm soát, sống chung với Covid-19 trong tình hình mới.

"Các nhãn hàng hiện có niềm tin khi Việt Nam tái mở cửa nền kinh tế. Chính vì vậy, chúng tôi đặt niềm tin và đưa ra mục tiêu cho dệt may Việt Nam năm 2022 là xuất khẩu khoảng 43,5 tỷ USD dựa trên cơ sở đánh giá xu hướng tiêu dùng toàn cầu", Chủ tịch VITAS đưa ra kỳ vọng.

Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, các doanh nghiệp trong ngành dệt may nói riêng đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình sản xuất cũng như thu hút lao động nhằm đáp ứng kịp thời các đơn hàng xuất khẩu. 

Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp như Dệt may đầu tư thương mại Thành Công, Sợi Thế Kỷ, TNG… cũng được hơn các tháng trước đó.

Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 10 tháng đầu năm nay ước đạt 32 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính cả năm nay, con số này sẽ là 37,92 tỷ USD (tăng trưởng 8,1%).

Đáng chú ý, xuất khẩu vải và xơ sợi đạt kim ngạch lớn nhất từ trước đến nay.

Trong đó, xuất khẩu xơ sợi 10 tháng ước đạt gần 4,5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 5,3 tỷ USD đến cuối năm nay (tăng trưởng 42%); xuất khẩu vải các loại ước đạt 2 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 2,4 tỷ USD.

Nhu cầu các mặt hàng dệt may trên thế giới năm 2022 được dự đoán sẽ quay trở lại mức của năm 2019. (khoảng 740 tỷ USD).

Mặc dù phải đối mặt với nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là các biến chủng của virus SARS-COV-2 nhưng gần đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu vẫn đạt 5,9% vào năm 2021 và 4,9% vào năm 2022.

Cùng với đó là ước tính nhu cầu dệt may thế giới năm 2022 sẽ quay trở lại bằng mức của năm 2019, đạt khoảng 740 tỷ USD.

Nếu theo thống kê của Trademap, tổng cầu dệt may nói chung của thế giới năm 2020 đạt 714 tỷ USD, chỉ giảm 5% so với năm 2019.

Tuy nhiên, năm 2020 số liệu bị nhiễu bởi nhu cầu nhập khẩu đồ bảo hộ (gọi tắt là PPE) có kim ngạch nhập khẩu tăng 80 tỷ USD so với mức ở điều kiện bình thường của các năm trước. 

Vì vậy, nếu loại trừ nhu cầu đồ PPE tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 giảm 15% so với năm 2019 (nhu cầu nhập khẩu riêng hàng may mặc toàn cầu có mức giảm sâu hơn khoảng 20%). 

Tuy nhiên, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, các quốc gia phát triển tiêm vắc-xin rộng rãi, cuộc sống người dân tại các nước này trở lại trong điều kiện bình thường mới khiến nhu cầu hàng may mặc được dự đoán sẽ tăng trở lại.

Ngày 2/11/2021, bên lề Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Noel Kinder, Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike.

Ông Noel Kinder cho biết, toàn bộ gần 200 nhà máy của Nike ở các địa phương Việt Nam từng bị đứt gãy do Covid-19 đã quay lại sản xuất. Tập đoàn này cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất giày dép, quần áo lớn nhất cho Tập đoàn Nike trên toàn cầu.
Tin liên quan
Tin khác