Ngày 27/8, Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, công tác giáo dục nghề nghiệp luôn được tỉnh Ninh Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số về đào tạo lao động trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Ninh Bình luôn đạt thứ hạng cao.
Toàn cảnh hội nghị. |
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển. Đến ngày 30/5/2024, trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 19 cơ sở công lập và 8 cơ sở tư thục. Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo được nâng cao, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo nghề nghiệp được cập nhật, đổi mới, bảo đảm "học đi đôi với hành"…, góp phần hình thành đội ngũ lao động lành nghề, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao… Sau 10 năm, toàn tỉnh ước tính đào tạo nghề cho khoảng 200.000 người. Dự kiến, đến hết năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36%.
Ông Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đào tạo nhân lực tay nghề cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Xác định rõ, đào tạo nhân lực có tay nghề cao là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo để góp phần xây dựng Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng là Đô thị Di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các huyện, thành phố cần tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp đối với công tác giáo dục nghề nghiệp nói chung, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao nói riêng.
Ông Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW. |
Tăng cường gắn kết giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nghề, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp để tăng quy mô, số lượng lao động qua đào tạo phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đào tạo chất lượng cao đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm của tỉnh. Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế, trao đổi chương trình đào tạo, phối hợp đánh giá chất lượng đào tạo và phát triển thị trường lao động…