Sở Công thương Ninh Thuận cho biết, tính đến thời điểm cuối áp dụng cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió của Chính phủ thì trên địa bàn tỉnh có 8 dự án điện gió, với tổng công suất 344,3 MW đã kịp đưa vào vận hành thương mại.
Cụ thể, có 7 dự án được công nhận vận hành thương mại 100% công suất, gồm: Nhà máy Điện gió BIM (88 MW), Nhà máy Điện gió số 7A (50MW), Nhà máy Điện gió Win Engry Chiến Thắng (50 MW), Nhà máy Điện gió số 5 Ninh Thuận (46,2 MW), Nhà máy Điện gió Phước Hữu Duyên Hải 1 (30 MW), Nhà máy Điện gió Lợi Hải 2 (28,9 MW) và Nhà máy Điện gió Adani Phước Minh (27,2 MW).
Riêng Nhà máy Điện gió Hanbaram công suất 117 MW, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên dù đã hoàn thành việc xây lắp các trụ tua-bin gió, nhưng mới chỉ 6 trụ gió hoàn thiện đấu nối với tổng công suất 24 MW được công nhận ngày vận hành thương mại; phần công suất còn lại 93 MW sẽ được thực hiện theo quy định.
Ninh Thuận có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió. |
Để phát huy lợi thế về điện gió, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, dự thảo quy hoạch phát triển điện gió biển tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, dự kiến đến năm 2030 sẽ phát triển 15 vị trí, giai đoạn 2021-2025 phát triển tại 4 vị trí với quy mô 1.220 MW, giai đoạn 2026-2030 tiếp tục phát triển thêm 11 vị trí với quy mô công suất tăng thêm 3.160 MW.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam thực hiện khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch tại 1/15 vị trí thuộc vùng biển xã Phước Dinh (Thuận Nam) V2-1 với công suất 502 MW. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở Công Thương tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương để làm rõ ranh giới khai thác, yêu cầu về an ninh quốc phòng khi triển khai đối với 14 vị trí còn lại, làm cơ sở kêu gọi đầu tư trong thời gian tới.
Các dự án năng lượng tái tạo đã trở thành điểm tựa cho tăng trưởng của tỉnh Ninh Thuận. Trong năm 2020, tại tỉnh Ninh Thuận có 42 dự án năng lượng đã hòa lưới điện; trong đó có 3 dự án điện gió, 32 dự án mặt trời, 7 dự án thủy điện, với sản lượng khoảng 4.000 triệu kWh/2.727,6 MW. Các nguồn năng lượng này tạo ra giá trị gia tăng hơn 2.766 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,7% trong GRDP của tỉnh và đóng góp cho tăng trưởng chung 9,04% trong tổng số 12,17% GRDP của tỉnh Ninh Thuận.