Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ cơ hội đầu tư vào tỉnh. |
“Hiện tại, Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới” là chia sẻ của ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận trước đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ vừa diễn ra tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Theo ông Hoàng, Chính phủ đã có chủ trương triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy mạnh việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ.
Bao gồm, bổ sung sân bay Thành Sơn quy mô cấp 4C, công suất 1,5 triệu lượt hành khách/năm vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo) đã hoàn thành đi vào hoạt động; cảng biển tổng hợp Cà Ná đã đưa bến cảng 100.000 DWT vào hoạt động...
Phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận đánh giá, các công trình này mang lại ý nghĩa quan trọng và lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng lợi thế, thu hút đầu tư vào Ninh Thuận.
Cùng với đó, Ninh Thuận hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập gồm KCN Thành Hải, KCN Du Long, KCN Phước Nam với tổng diện tích 855 ha và KCN Cà Ná quy mô 827 ha đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
“Với quỹ đất tại các khu, cụm công nghiệp còn khá lớn, với mức giá cho thuê thấp hơn nhiều so với mức giá của các tỉnh trong khu vực (bằng khoảng 20-30%) là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, hạ tầng khu, cụm công nghiệp”, ông Hoàng chia sẻ.
Một góc TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. |
Đồng thời, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung phát triển 3 hành lang gồm tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển và mở rộng phát triển theo trục Đông - Tây tạo kết nối vùng, liên vùng theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tạo động lực quan trọng để phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch.
Mục tiêu hướng đến năm 2025, Ninh Thuận đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế ven biển của cả nước.
“Ninh Thuận sẽ ưu tiên phát triển các lĩnh vực trọng điểm, hình thành hệ sinh thái đồng bộ tạo động lực thúc đẩy phát triển các dự án sản xuất, chế biến công nghiệp và các ngành trụ cột của tỉnh”, Phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cho hay.