Tập trung hoàn thiện hạ tầng
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tỉnh trong vùng, với các tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ khai thác hiệu quả lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận ký kết hợp tác với UBND các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên; hợp tác với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ; hợp tác với Trường đại học Cần Thơ. Ngoài ra, địa phương này đang tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác với tỉnh Đắk Lắk, các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên; làm việc với các đối tác quốc tế đến từ Brunei, UAE.
Ninh Thuận cũng làm việc với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam để xúc tiến việc vận chuyển than, alumin qua cảng biển tổng hợp Cà Ná (dự kiến sản lượng than, alumin qua cảng đạt 10-12 triệu tấn/năm) đến các tỉnh phía Nam phục vụ chất đốt cho nhà máy nhiệt điện và vận chuyển alumin từ các nhà máy tại Tây Nguyên (khoảng 6 triệu tấn/năm), phục vụ sản xuất nhôm và một phần cho xuất khẩu qua cảng Cà Ná); các đoàn doanh nghiệp TP.HCM xúc tiến giới thiệu cảng biển Cà Ná...
Tính đến tháng 7/2024, Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 29 dự án (vốn đầu tư 32.345 tỷ đồng). Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh bố trí vốn cho 156 dự án, nhưng đến năm 2024, đã bố trí vốn cho 148 dự án. Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, Ninh Thuận dành nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng.
Theo Quy hoạch Phát triển các khu - cụm công nghiệp tỉnh Ninh Thuận, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có 4 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích gần 1.700 ha, gồm KCN Du Long (407,28 ha), KCN Phước Nam (370 ha), KCN Cà Ná (827,20 ha), KCN Thành Hải (78 ha).
- Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận
Các KCN ưu tiên thu hút đầu tư những ngành nghề có lợi thế và tiềm năng phát triển của tỉnh, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, công nghệ cao, bảo vệ môi trường, đảm bảo hoạt động đầu tư bền vững và hiệu quả.
Ninh Thuận đã có 3 KCN xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư, trong đó KCN Thành Hải xây dựng hạ tầng kỹ thuật 58 ha bằng nguồn vốn ngân sách, thu hút 22 dự án đăng ký đầu tư 2.622 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 387,5 tỷ đồng.
KCN Phước Nam do Công ty cổ phần Đầu tư Phước Nam - Ninh Thuận làm chủ đầu tư đã triển khai giai đoạn I (151 ha), thu hút 13 dự án đăng ký đầu tư thứ cấp, với vốn đầu tư 372 tỷ đồng, trong đó, vốn FDI tương đương 134,75 tỷ đồng.
KCN Du Long do Công ty cổ phần Đầu tư KCN Hoàng Thành Du Long làm chủ đầu tư, có 6 dự án đăng ký đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư 1.937,58 tỷ đồng, trong đó vốn FDI là 750,587 tỷ đồng.
Riêng KCN Cà Ná đang chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hiện trạng đất rừng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn I với 387 ha.
KCN Cà Ná là KCN tập trung, định hướng phát triển các nhóm ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo để tận dụng nguồn tài nguyên gió và nắng của khu vực. Ngoài ra, KCN Cà Ná cũng định hướng một số nhóm ngành cơ khí chế tạo máy và một số ngành công nghệ cao, công nghiệp nặng khác.
Thời gian qua, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN tại Ninh Thuận có sự thay đổi đáng kể về lượng và chất, góp phần làm gia tăng lớn giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Xác định việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN vừa có tác động lan tỏa, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối và dịch vụ tiện ích cho các KCN, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tái đầu tư vào kết cấu hạ tầng của địa phương, Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng các KCN triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật như trạm xử lý nước thải, trồng cây xanh, hạ tầng giao thông và xây dựng các công trình dịch vụ, nhanh chóng chuẩn bị quỹ đất sạch để xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp; đồng thời tập trung hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư vào KCN như quán triệt thực hiện cơ chế quản lý “một cửa”, “một cửa liên thông”…
Theo ông Sử Đình Vinh, Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận, thời gian tới, cơ quan này tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn để nâng cao hiệu quả thu hút nhà đầu tư; ưu tiên thu hút nhà đầu tư thuộc Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)…; chủ động kết nối vùng trọng điểm phía Nam, Duyên hải Trung bộ; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; xây dựng ấn phẩm, hình ảnh quảng bá môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội đầu tư, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các khu - cụm công nghiệp, môi trường đầu tư của tỉnh, cũng như cung cấp kịp thời thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương… tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tạo đột phá thu hút đầu tư
Có thể nói, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông tuyến ngày 26/4 đã kết nối Ninh Thuận với các cực tăng trưởng là TP.HCM, Khánh Hòa gần hơn bao giờ hết. Ninh Thuận nằm giao với 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam và đường sắt Bắc - Nam, cùng với Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên. Đây là vị trí giữ vai trò cầu nối trong mối liên kết, thúc đẩy phát triển giữa các địa phương vùng Nam Trung bộ. Ngoài ra, Ninh Thuận đang tập trung phát triển vận tải cảng biển, logistics, sân bay, hướng đến liên kết phát triển với các tỉnh phía Nam, Nam Tây Nguyên, các tỉnh trong vùng Nam Trung bộ trong thời gian tới.
Hạ tầng dần hoàn thiện giúp Ninh Thuận có cơ sở triển khai các chính sách đột phá trong thu hút đầu tư. Theo ông Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh, địa phương này áp dụng chính sách đầu tư theo hướng bảo đảm quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện và đơn giản nhất. “Ninh Thuận áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Nhà nước đối với thuê đất, cấp đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu. Toàn bộ các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng khung chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất”, ông Huyền nhấn mạnh.
Hạ tầng dần hoàn thiện, chính sách đầu tư cởi mở giúp Ninh Thuận từng bước thu hút các nhà đầu tư, trong đó có thị trường quan trọng là TP.HCM. Trong giai đoạn 2014 - 2023, tỉnh cực Nam Trung bộ này đã thu hút 24 dự án đầu tư của các doanh nghiệp TP.HCM với tổng vốn trên 31.500 tỷ đồng. Đến nay, Ninh Thuận có 45 dự án đầu tư của doanh nghiệp TP.HCM, với tổng vốn 60.000 tỷ đồng. Các nhà đầu tư rót vốn khá toàn diện trên các lĩnh vực, như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), cảng biển, công nghiệp sản xuất, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ...
Tại buổi làm việc với lãnh đạo và các nhà đầu tư TP.HCM vào tháng 4/2023, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, địa phương còn rất nhiều dư địa phát triển và mong muốn có sự quan tâm, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp TP.HCM.
“Trước đây, chúng tôi không có cảng biển, đường cao tốc, khiến việc thu hút lĩnh vực này rất khó. Nay với các tuyến giao thông kết nối được hình thành từ cảng Cà Ná, các tuyến cao tốc đi ngang, chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư sẽ về đây nhiều hơn”, ông Nam bày tỏ.
Ninh Thuận cũng quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch. Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhằm thực hiện mục tiêu đưa ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025 và thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững vào năm 2030, Ninh Thuận ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và trung tâm TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Từ đó, hình thành hệ thống khách sạn, trung tâm thương mại, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú; các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính khác biệt, hấp dẫn. Đồng thời, Ninh Thuận đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực duyên hải miền Trung và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đặc biệt, Ninh Thuận tập trung thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy, gồm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, nhất là dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng; tạo đột phá trong lĩnh vực đất đai để khơi thông nguồn lực và phát triển 6 ngành/lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công; năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế đô thị).